Kế hoạch 414/KH-UBND năm 2023 xây dựng "xã, phường, thị trấn không có ma túy" trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 414/KH-UBND
Ngày ban hành 13/11/2023
Ngày có hiệu lực 13/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 414/KH-UBND

Lào Cai, ngày 13 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG CÓ MA TÚY” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Văn bản số 2975-TB/TU ngày 21/9/2023 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc lãnh đạo tập trung xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy; Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; quyết tâm phấn đấu xây dựng và giữ vững các xã, phường, thị trấn không có ma túy trên địa bàn.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; chủ động nắm chắc tình hình, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn về ma túy.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng “xã, phường, thị trấn không có ma túy” lấy phòng ngừa là chính, phải được tiến hành đồng bộ, liên tục, kiên quyết với những giải pháp vững chắc, có trọng tâm trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân để đạt hiệu quả cao nhất.

- Quá trình thực hiện phải lồng ghép với các cuộc vận động, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xóa đói, giảm nghèo... Định kỳ phải được tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để đề ra các nội dung, biện pháp phù hợp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

II. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG CÓ MA TÚY”

Tại thời điểm xem xét, công nhận “Xã, phường, thị trấn không có ma túy”, địa bàn cấp xã được đề nghị công nhận phải bảo đảm đạt các tiêu chí sau:

1. Không có tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, đối tượng bán lẻ trái phép chất ma túy, điểm tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.

2. Không có đối tượng, nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy trên địa bàn.

3. 100% người nghiện ma túy trên địa bàn có hồ sơ quản lý; 100% người nghiện ma túy có mặt tại địa bàn được lập hồ sơ áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp và 100% người sau cai nghiện được lập hồ sơ quản lý theo quy định.

4. 100% người sử dụng trái phép chất ma túy có mặt tại nơi cư trú trên địa bàn được lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ theo quy định pháp luật.

5. 100% đại diện hộ gia đình trên địa bàn cam kết không phạm tội, không tham gia tệ nạn ma túy và tự nguyện hợp tác với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy; 100% thôn, tổ dân phố có hòm thư tố giác tội phạm, có bảng niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy.

6. Xây dựng và duy trì hiệu quả ít nhất 01 mô hình về phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác xây dựng “Xã, phường, thị trấn không có ma túy”

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn phải xác định rõ công tác PCMT nói chung, xây dựng “xã, phường, thị trấn không có ma túy” nói riêng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác xây dựng “xã, phường, thị trấn không có ma túy” theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng “xã, phường, thị trấn không có ma túy”.

2. Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn

- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

- Tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; ký cam kết không tham gia phạm tội, tệ nạn ma túy, không trồng cây có chứa chất ma túy; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy.

- Củng cố, duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống ma túy (duy trì ít nhất 01 mô hình/01 địa bàn cấp xã hoạt động có hiệu quả).

- Triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, góp phần đưa công tác PCMT hiệu quả, bền vững hơn.

- Các lực lượng chuyên trách (Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ theo quy định của ngành.

[...]