Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2021 triển khai Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030”

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 05/01/2021
Ngày có hiệu lực 05/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Đức Hòa
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 05 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH BÌNH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3113/QĐ- UBND ngày 02/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận” với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai có hiệu quả Quyết định số 3113/QĐ-UBND ngày 02/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận”:

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ hành chính công. Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành có thể chia sẻ và tích hợp để phục vụ công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân.

- Xây dựng nền móng cơ sở hạ tầng cho đô thị thông minh (ĐTTM) với Trung tâm điều hành, nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối được với các thành phần của ĐTTM; Các ứng dụng, các dịch vụ của các hệ thống thành phần của đô thị thông minh phải được triển khai tập trung tại Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm và đảm bảo tính gắn kết, liên thông, đồng bộ, tạo ra công cụ nhằm cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, Chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý, kiểm soát và cung ứng dịch vụ; Ứng dụng CNTT để cho phép cán bộ, người lãnh đạo có thể nắm bắt thông tin hiện trường, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị; Hình thành CSDL tích hợp tiến đến một CSDL mở.

- Xây dựng một số ứng dụng thông minh trọng điểm trong các lĩnh vực: Du lịch, Nông nghiệp, An ninh an toàn, Tài nguyên môi trường, Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải… trên địa bàn thành phố Phan Thiết để hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành ĐTTM.

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT để tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng ĐTTM của tỉnh;

- Triển khai đồng bộ các ứng dụng thông minh để hỗ trợ cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt để thành phố Phan Thiết sớm trở thành thành phố du lịch thông minh hàng đầu của Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực ưu tiên

2.1. Chính quyền điện tử

- Tiếp tục hỗ trợ công tác cải cách thủ tục hành chính toàn diện, hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp được tạo điều kiện tham gia ý kiến vào các vấn đề quan trọng của tỉnh thông qua các kênh giao tiếp số.

- Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính của Chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân.

- Kết nối, tích hợp, chia sẻ các CSDL, các ứng dụng của các ngành, địa phương trong tỉnh; Xây dựng công cụ hỗ trợ báo cáo, thống kê, tổng hợp, phân tích, dự báo, cảnh báo.

- Xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành để hỗ trợ cho quản lý điều hành tập trung.

2.2. Du lịch

- Kết nối du khách thông qua hành trình trước, trong và sau chuyến đi. Áp dụng triệt để các công nghệ 4.0 trong ngành Du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách.

- Tăng cường tiện ích, tối ưu hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng và hình thành CSDL du lịch tập trung của tỉnh đáp ứng các nhu cầu kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.

- Kết hợp chặt chẽ chính quyền, du khách, doanh nghiệp tạo nên một hệ sinh thái tương hỗ trong ngành du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp.

- Chính quyền hiểu được nhu cầu, hành vi của khách du lịch để có chiến lược phát triển du lịch hợp lý.

- Giảm thiểu các hạn chế trong hoạt động du lịch (bội tín, tiếp thị trái pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh…), cơ quan quản lý kiểm soát được giá cả dịch vụ, nhằm tạo sự hài lòng cho khách du lịch khi đến với Bình Thuận.

- Tạo cho khách du lịch thói quen sử dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các hoạt động liên quan đến du lịch.

2.3. Nông nghiệp

- Xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ cao vào nông nghiệp.

[...]