Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 4038/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 4038/KH-UBND
Ngày ban hành 28/11/2022
Ngày có hiệu lực 28/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4038/KH-UBND

Kon Tum, ngày 28 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, nhiều hoạt động kinh tế phải tạm dừng để thực hiện phòng chống dịch. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã triển khai quyết liệt các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Codvid - 19 và vừa phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; chỉ đạo các ngành xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh ứng phó với tình hình bình thường mới.

Dự báo thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tăng và nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng, đặc biệt mặt hàng tươi sống những ngày trước, trong và sau Tết. Trước những nhận định tình hình thị trường và kết quả thực hiện phương án bình ổn thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chương trình bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023 gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu

- Hàng hóa phục vụ Chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; lượng hàng hóa phục vụ Chương trình đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp biến động thị trường.

- Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo ổn định trước, trong, sau Tết và thực hiện theo giá đăng ký đối với một số mặt hàng thiết yếu trong suốt thời gian thực hiện chương trình không để khan hàng sốt giá.

- Có sự tham gia của các địa phương, Sở, ngành, các đơn vị liên quan, bảo đảm quản lý kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Tên Chương trình: Chương trình Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

2. Doanh nghiệp tham gia

a) Đăng ký tham gia chương trình bình ổn có 02 đơn vị: Siêu thị Win Mart, Siêu thị Co.op Mart (trong đó Siêu thị Win Mart, Siêu thị Co.op Mart tham gia bình ổn nhưng không tham gia vay vốn).

b) Tổng lượng hàng hóa dự trữ: 53.731.626.500 đồng (bảng chi tiết kèm theo)

- Siêu thị Win Mart : 2.755.226.500 đồng.

- Siêu thị Co.op Mart Kon Tum: 50.976.400.000 đồng. c) Mặt hàng tham gia chương trình

- Thực phẩm công nghệ: Đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, mì tôm, bánh, kẹo, hạt tết các loại.

- Lương thực: gạo, nếp các loại.

- Thực phẩm tươi sống: thịt heo.

- Thực phẩm chế biến.

Trong đó:

- Thực phẩm công nghệ: (đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn: 68.500 chai/gói; mì tôm: 133.000 gói; bánh, kẹo, hạt tết các loại: 15.500 hộp).

- Lương thực: Gạo, nếp các loại: 15.313 túi.

- Thực phẩm tươi sống: 2.600 kg (thịt heo).

- Thực phẩm chế biến: 35.500 gói.

3. Phương thức bán hàng: Tổ chức theo phương thức bán hàng cố định, bán hàng lưu động.

[...]