Kế hoạch 4360/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 4360/KH-UBND
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4360/KH-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024

Năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm. Thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai quyết liệt các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế -xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, nhất là giáp Tết Nguyên đán tăng cao. Trên cơ sở Chỉ thị số 13/CT- BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cung cấp hàng hóa dồi dào có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bình ổn, hợp lý trong giai đoạn nhu cầu tăng cao (như dịp lễ, Tết…) nhằm giảm áp lực về cầu gây tăng giá đột biến ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của tỉnh.

- Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

- Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá bình ổn tới tay người tiêu dùng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn của nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu

- Hàng hóa phục vụ Chương trình phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm; lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp biến động thị trường.

- Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo ổn định trước, trong, sau Tết và thực hiện theo giá đăng ký đối với một số mặt hàng thiết yếu trong suốt thời gian thực hiện chương trình, không để khan hàng sốt giá.

- Có sự tham gia của các địa phương, Sở, ngành, các đơn vị liên quan, bảo đảm quản lý kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Tên Chương trình: Chương trình Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

2. Doanh nghiệp tham gia

a) Đăng ký tham gia chương trình bình ổn có 02 đơn vị: Siêu thị Win Mart, Siêu thị Co.op Mart (trong đó Siêu thị Win Mart, Siêu thị Co.op Mart tham gia bình ổn nhưng không tham gia vay vốn).

b) Tổng lượng hàng hóa dự trữ: 56.210.450.000 đồng (bảng chi tiết kèm theo)

- Siêu thị Win Mart Kon Tum: 3.918.100.000 đồng.

- Siêu thị Co.op Mart Kon Tum: 52.292.350.000 đồng.

c) Mặt hàng tham gia chương trình

- Thực phẩm công nghệ: Đường, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn (66.000 chai/gói); Mì tôm (184.000 gói); Trà, bánh, kẹo, hạt tết các loại (45.000 hộp).

- Lương thực: Gạo, nếp các loại: 5.000 túi.

- Thực phẩm tươi sống: 4.000 kg (thịt heo).

- Thực phẩm chế biến: 14.500 gói.

3. Phương thức bán hàng

Tổ chức theo phương thức bán hàng cố định, bán hàng lưu động.

a) Các điểm bán hàng cố định: Gồm 2 điểm bán hàng cố định trên địa bàn thành phố Kon Tum:

[...]