Kế hoạch 39/KH-UBQG công tác phòng, chống ma túy năm 2014 do Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ban hành
Số hiệu | 39/KH-UBQG |
Ngày ban hành | 20/02/2014 |
Ngày có hiệu lực | 20/02/2014 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm |
Người ký | Trần Đại Quang |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
UBQG PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MT, MD |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/KH-UBQG |
Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2014
Năm 2013, Chính phủ, Ủy ban quốc gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống ma túy, vì vậy đã hạn chế gia tăng người nghiện ma túy, đấu tranh chống tội phạm đạt kết quả cao, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Năm 2014, bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình tội phạm nói chung và tình hình tệ nạn ma túy nói riêng còn diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, hoạt động vận chuyển ma túy qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không tiếp tục gia tăng, triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ hoạt động phạm tội. Sự chống trả của tội phạm ma túy với các lực lượng chức năng tiếp tục quyết liệt. Nhiều loại ma túy tổng hợp mới sẽ thâm nhập vào Việt Nam. Số người nghiện trong nước chưa có xu hướng giảm; tình hình sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng và lan rộng ra nhiều địa phương. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra sẽ nghiêm trọng hơn nếu không thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015.
Trên cơ sở kết quả công tác năm 2013 và dự báo tình hình ma túy trong thời gian tới, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống ma túy năm 2014, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; vai trò nòng cốt của các lực lượng chuyên trách, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân để làm chuyển biến một bước cơ bản trong công tác phòng, chống ma túy.
2. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế gia tăng người nghiện ma túy kiềm chế tình hình tội phạm về ma túy; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm, bóc gỡ các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy; ngăn chặn có hiệu quả ma túy, nhất là ma túy tổng hợp xâm nhập vào Việt Nam; giải quyết cơ bản tình hình phức tạp về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm; ngăn chặn sự gia tăng số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở.
3. Công tác phòng, chống ma túy cần được lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tội phạm và các chương trình kinh tế, xã hội khác trên cùng một địa bàn nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực.
II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Phấn đấu không để phát sinh tụ điểm phức tạp mới; tăng số vụ, đối tượng phạm tội về ma túy bị bắt giữ hơn 5% so với năm 2013.
2. Phấn đấu giảm mức phức tạp về tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn có ma túy; giảm 3 - 5% số xã, phường, thị trấn có ma túy; 100% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy được tập trung chỉ đạo, đầu tư tạo chuyển biến.
3. Nâng tỷ lệ số vụ, số đối tượng phạm tội ma túy được phát hiện, thu giữ tại các tỉnh, thành phố có biên giới lên trên 30% tổng số vụ/đối tượng được phát hiện, điều tra trên toàn quốc.
4. Đạt 15% số người nghiện được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; 30-40% được cai tại cơ sở tập trung; 100% người nghiện có hồ sơ quản lý.
5. Phấn đấu 100% diện tích trồng, tái trồng cây có chất ma túy bị phát hiện và triệt xóa.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Công tác chỉ đạo
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác phòng, chống ma túy, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Các tỉnh, thành phố quán triệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trong Chỉ thị và kết luận của Ban Bí thư sau Hội nghị sơ kết;
- Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình công tác phòng, chống ma túy năm 2014 với các mục tiêu cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015; triển khai kế hoạch tổng điều tra cơ bản người nghiện, chú ý bố trí sử dụng kinh phí hợp lý, không dàn trải, ưu tiên cho công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở, giải quyết các tụ điểm phức tạp;
- Tiếp tục kiện toàn nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn, xác định các công tác trọng tâm và các trọng điểm để chỉ đạo, triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện khắc phục ngay các tồn tại, yếu kém trong công tác của cán bộ để xử lý; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý và Thường trực phòng, chống ma túy của các địa phương.
2. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tệ nạn ma túy
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với phương châm hướng về cơ sở, giảm các hoạt động mang tính phô trương, hình thức, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các nhóm đối tượng nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, người lao động tự do... Chú trọng nội dung tuyên truyền về nguy cơ và tác hại của ma túy tổng hợp.
- Các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy hướng về cơ sở, tập trung cho đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26/6”; Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy qua các phương tiện thông tin truyền thông và các đội thông tin lưu động; tập huấn về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đội ngũ phóng viên báo chí và tuyên truyền viên.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng các chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các đối tượng cụ thể (học sinh, sinh viên, công nhân,...), chú trọng các chương trình bằng tiếng dân tộc; chỉ đạo và hướng dẫn công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy thông qua các hình thức văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể dục, thể thao, hoạt động du lịch.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống ma túy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ở các khu vực có tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy; xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy phù hợp với các cấp học đưa vào đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
- Bộ Công an và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sơ kết Kế hoạch phối hợp phòng chống ma túy trong công nhân lao động năm 2005, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch phối hợp phòng chống ma túy cho giai đoạn tiếp theo.
- Bộ Công an và các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy thông qua thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”; tổ chức sơ kết, đánh giá công tác xây dựng mô hình điểm không tệ nạn ma túy tại 12 xã, phường đang áp dụng để rút kinh nghiệm triển khai trên phạm vi cả nước; tiếp tục duy trì tốt hoạt động tại các mô hình điểm ở các xã, phường, khu dân cư về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội.
3. Công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy