Kế hoạch 3891/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 1055/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3891/KH-UBND
Ngày ban hành 07/10/2020
Ngày có hiệu lực 07/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 3891/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1055/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUỐC GIA THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển.

b) Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch có liên quan.

c) Thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

d) Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Quán triệt sâu, rộng chủ trương, giải pháp, nội dung của Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tới các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.

- Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, trong đó có hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

- Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

- Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giải quyết các mục tiêu nêu trên, bao gồm:

1. Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm:

a) Rà soát, cập nhật và xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các ngành, địa phương dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

b) Lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch tỉnh, đánh giá lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch tỉnh, lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu với giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

c) Giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc đánh giá rủi ro khí hậu, xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

d) Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích về đảm bảo phòng chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.

2. Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm:

a) Cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các ngành, các lĩnh vực:

- Quản lý hiệu quả tài nguyên nước, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao khả năng trữ nước và hiệu quả sử dụng nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, ưu tiên cho các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động bất lợi của xâm nhập mặn;

- Nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu;

[...]