Kế hoạch 3841/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án "Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch" tỉnh Phú Thọ đến năm 2020

Số hiệu 3841/KH-UBND
Ngày ban hành 11/09/2014
Ngày có hiệu lực 11/09/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hoàng Công Thủy
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3841/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 9 năm 2014.

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRONG CHẾ BIẾN VÀ GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH" TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020.

Thực hiện Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB, ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; Quyết định số 1016/QĐ-BNN-CB, ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.

UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm sản thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với các nội dung cụ thể sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản của tỉnh tăng bình quân 25% so với hiện nay.

Cụ thể đối với một số ngành hàng chủ lực: Gạo tăng 12%; chè tăng 30%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến dăm gỗ.

- Đến năm 2020, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.

II. Nhiệm vụ cụ thể:

1. Phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung của Đề án:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các hình thức như: Tổ chức Hội nghị; tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin, đại chúng ở các cấp: báo, đài PTTH tỉnh, huyện; đài phát thanh cấp xã phường, thị trấn nhằm thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án và Kế hoạch hành động từ tỉnh đến cơ sở.

2. Tổ chức sản xuất theo tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ.

- Cụ thể hóa, xây dựng chính sách cụ thể để triển khai có hiệu quả Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nông dân, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, nâng tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác (ASC, 4C, RainForest…). Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP theo chuỗi sản xuất sản phẩm.

- Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đồng bộ với việc cải tạo ruộng đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) để áp dụng cơ giới hóa, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các doanh nghiệp có đủ khả năng tự đầu tư vùng nguyên liệu để chủ động trong sản xuất kinh doanh.

- Hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO… trong chế biến, nhằm kiểm soát tốt chất lượng và ATTP.

Nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, thông qua:

+ Ưu tiên các dự án nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến, xây dựng các mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân.

+ Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC, ISO…cho doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.

+ Ưu tiên phổ biến các công nghệ phù hợp, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho các doanh nghiệp chế biến.

3. Về chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, nâng cao chất lượng và ATTP, hạ giá thành sản phẩm.

Trên cơ sở thị trường, đầu tư, tổ chức sản xuất theo hướng:

- Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đối với từng loại sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt ATTP.

- Xử lý nghiêm các cơ sở chế biến không đảm bảo các điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật về ATTP và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Không ngừng cải tiến, đa dạng hóa hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

[...]