Kế hoạch 382/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

Số hiệu 382/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2018
Ngày có hiệu lực 28/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 382/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3949/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn (gọi tắt là CTR) tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với các nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, làm cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai các dự án quản lý CTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về CTR nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các sở ngành, cơ quan liên quan, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch quản lý CTR. Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các sở ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và người dân trong công tác thu gom, xử lý CTR.

- Căn cứ vào Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.

2. Mục tiêu cụ thể

- Dự báo, xác định nhu cầu quản lý và xử lý CTR đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống và phương thức phân loại CTR tại nguồn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.

- Nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị thu gom, vận chuyển CTR cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn.

- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý CTR cho các đô thị, KCN và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống, cơ chế chính sách khuyến khích thu hút, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Xây dựng các kế hoạch và nguồn lực thực hiện quy hoạch nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn như sau:

* Mục tiêu đến năm 2020

+ 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III; 80 - 90% lượng CTR sinh hoạt tại các đô thị loại IV; 65 - 80% tổng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 40% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

+ 70% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 50% tổng lượng chất thải không nguy hại được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.

[...]