Kế hoạch 3725/KH-UBND năm 2018 về Dinh dưỡng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Số hiệu 3725/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2018
Ngày có hiệu lực 30/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3725/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ DINH DƯỠNG CỦA TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới;

Thực hiện Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 29/01/2018 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2020;

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện công tác Dinh dưỡng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 như sau:

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2017

I. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động

1. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em

Mặc dù kinh phí còn hạn chế, Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em vẫn được triển khai thực hiện thường xuyên tại 65 xã phường, các hoạt động chủ yếu là: Thực hành dinh dưỡng kết hợp với truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai qua các buổi sinh hoạt nhóm và thăm hộ gia đình, tổ chức cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi, giám sát dinh dưỡng.v.v...Kết quả tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) từ 22,1% năm 2011 giảm xuống còn 16% vào năm 2017, trung bình giảm 1%/năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi (chiều cao/tuổi) từ 29,7% năm 2011 giảm còn 26% năm 2017, trung bình giảm 0,5%/năm; bữa ăn của người dân cũng như trẻ em được đảm bảo hơn về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Dự án Bạn hữu trẻ em đã xây dựng các mô hình và triển khai một số hoạt động can thiệp dinh dưỡng như:

- Mô hình lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực tại 4 xã: Phước Chính, Phước Thành - huyện Bác Ái; Bắc Sơn, Công Hải - huyện Thuận Bắc.

- Mô hình quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính nặng (IMAM) tại 9 xã của huyện Bác Ái.

- Thực hành mới về chăm sóc bà mẹ và sơ sinh thiết yếu, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đã được thực hành tốt tại khoa Sản, khoa Nhi của bệnh viện tỉnh và huyện.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 3 lần/3 kỳ, phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế và phụ nữ đẻ được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

- Hỗ trợ gói dinh dưỡng khẩn cấp: Từ năm 2013 được sự quan tâm hỗ trợ của Unicef thông qua Dự án Bạn hữu trẻ em tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ kinh phí để mua sản phẩm dinh dưỡng cấp cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng huyện Bác Ái. Đặc biệt năm 2016 do hạn hán nặng nề đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của bà mẹ, trẻ em, được sự tài trợ của Unicef, Sở Y tế tiếp nhận gói dinh dưỡng khẩn cấp và đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai tại 286 thôn thuộc 49 xã; tổ chức cân, đo sàng lọc cho trẻ < 5 tuổi đạt 96,4% tổng số trẻ, trong đó có 623 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng và 1.314 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa được điều trị bằng sản phẩm HEBI và RUFT; có 8.047 phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi được uống viên đa vi chất và 12.225 trẻ từ 6-23 tháng tuổi sử dụng gói đa vi chất. Đến cuối tháng 2/2017 còn 216 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng và 1.105 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa đang tiếp tục điều trị bằng sản phẩm RUTF.

- Phối hợp liên ngành tổ chức các đợt giám sát thực hiện công tác nước sạch vệ sinh môi trường, sức khoẻ và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em tại 15 xã của 2 huyện Thuận Bắc và Bác Ái nhằm đánh giá và kêu gọi sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và nước sạch, vệ sinh môi trường.

2. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

- Chương trình phòng chống thiếu Vitamin A trong những năm qua được triển khai rất hiệu quả, hàng năm tổ chức 2 đợt (đợt 1 từ ngày 1-2/6; đợt 2 từ ngày 1-2/12) bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6-60 tháng tuổi đạt trên 95%, bà mẹ sau sinh trong tháng uống Vitamin A đạt trên 90%.

- Tất cả phụ nữ có thai đều được cấp viên sắt hoặc viên đa vi chất tại các cơ sở khám chữa bệnh và những năm gần đây viên sắt đã được đưa vào chương trình bảo hiểm y tế. Tỷ lệ phụ nữ có thai sử dụng viên sắt, viên đa vi chất đều đặn đạt trên 80%.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối Iốt trong bữa ăn hàng ngày qua các năm đạt 95%.

3. Cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân

Qua các cuộc điều tra dinh dưỡng 30 cụm hàng năm cho thấy kiến thức của các bà mẹ về dinh dưỡng gia đình ngày càng được nâng cao, 4 nhóm thức ăn được áp dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày; các bà mẹ không còn kiêng khem cho ăn khi trẻ bị bệnh mà đã thực hiện bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ. Việc thực hành chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong các gia đình ngày càng được chú trọng; bữa ăn của người dân cũng như trẻ em được đảm bảo hơn về số lượng và chất lượng.

4. Kết quả triển khai thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế của các bệnh viện

Hiện nay, các bệnh viện đã thay đổi nhận thức về ứng dụng dinh dưỡng trong điều trị; cán bộ dinh dưỡng đã có nhiều cố gắng với các hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; người bệnh được hướng dẫn, tư vấn và cung cấp chế độ ăn phù hợp với bệnh lý, được đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện. Toàn tỉnh Ninh Thuận có 08 bệnh viện, trong đó có 04 bệnh viện tuyến tỉnh (01 bệnh viện đa khoa và 03 bệnh viện chuyên khoa) và 04 bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Có 03 bệnh viện đã thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền); các bệnh viện còn lại tuy chưa thành lập khoa/tổ dinh dưỡng để triển khai các hoạt động dinh dưỡng, tiết chế nhưng trong quá trình khám bệnh và điều trị đã hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý cho người bệnh hoặc người thân của người bệnh.

II. Những thuận lợi, khó khăn và thách thức

1. Thuận lợi

- Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể.

- Sự tài trợ của các tổ chức Quốc tế: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Quỹ toàn cầu, các tổ chức Phi Chính phủ... về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.

[...]