Kế hoạch 37/KH-UBND về hành động bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2021
Ngày có hiệu lực 09/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Hành động bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 với nội dung chính như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2020

Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, ngăn chặn hàng hóa VTNN kém chất lượng đưa vào sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 (Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 14/02/2020), sau 01 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

Kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, đề án: Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2020, Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2020; các Đề án sản xuất vụ mùa; văn bản chỉ đạo, bổ sung các mặt hàng VTNN thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục các mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh trong giai đoạn triển khai thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, các văn bản chỉ đạo bổ cứu sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản... (42 văn bản các loại).

2. Về công tác thông tin truyền thông giáo dục

Tổ chức 70 hội nghị/lớp tập huấn/buổi tuyên truyền hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn sản xuất đảm bảo ATTP, theo hướng VietGAP, GMP... cho gần 5.200 lượt người; cấp phát gần 7.000 sổ tay, tờ dán, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích...; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh, các cơ quan báo chí tại địa phương xây dựng, phát sóng, đăng tải các tin bài hướng dẫn thực hiện quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản...

3. Hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

- Thông qua các chính sách, chương trình, dự án để lồng ghép hỗ trợ, phát triển, mở rộng các vùng, cơ sở sản xuất tập trung, sản phẩm OCOP áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, tiêu chuẩn ISO22000...)). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 154 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO... đang còn hiệu lực; xây dựng 29 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận, tập trung vào các sản phẩm: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ quả, gạo, thịt lợn, nem chua, sản phẩm chế biến từ hải sản...

- Cung cấp thông tin các Hội chợ, triển lãm nông nghiệp và thương mại đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu. Lựa chọn, giới thiệu và cung cấp các sản phẩm lợi thế, độc sản của địa phương như: Nước mắm, Nem chua, Nhung hươu, Bưởi Phúc Trạch, Cam chanh... đi tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020 và Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020. Hỗ trợ hàng trăm lượt cơ sở tham gia các Hội chợ thương mại được tổ chức ở các tỉnh bạn và trên địa bàn tỉnh.

4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, giám sát an toàn thực phẩm

Công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản được quan tâm duy trì, tập trung vào nhóm sản phẩm có rủi ro cao, các công đoạn có nhiều mối nguy tiềm ẩn (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến) và nhóm sản phẩm có sản lượng tiêu thụ lớn như thịt, sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả, thủy sản và sản phẩm từ thủy sản..., các đầu mối sản xuất, thu gom, kinh doanh, thực phẩm nông lâm thủy sản có quy mô lớn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm ATTP:

- Công tác thẩm định, xếp loại cơ sở và tổ chức ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn được duy trì hiệu quả: Có 517 cơ sở được xếp loại A, B đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm/520 cơ sở thẩm định (chiếm 99,42%), đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Lũy kế đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 506 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực. Trong đỗ năm 2020, toàn tỉnh đã cấp và cấp lại được 148 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp được 53 giấy, cấp huyện cấp 95 giấy).

- Tổ chức cho 18.825 doanh không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn (trong tổng số 21.439 cơ sở được thống kê, chiếm 87,81%); kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết đối với 5.098 cơ sở, phát hiện 52 cơ sở chưa đạt yêu cầu.

- Toàn Ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với 1381 lượt cơ sở SXKD VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản, lấy 381 mẫu để giám sát chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản. Qua quá trình thanh, kiểm tra đã phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 51 trường hợp với số tiền 337,14 triệu đồng, cụ thể:

- Đối với VTNN: Lấy 101 mẫu VTNN các loại để kiểm nghiệm chất lượng. Qua kết quả kiểm nghiệm phát hiện 6/101 mẫu không đảm bảo chất lượng gồm: 03 mẫu giống lúa, 03 mẫu phân bón) tương ứng với tỷ lệ 5,94% (đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra là ≤ 6%).

Phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cơ sở số tiền 185,14 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: cung ứng vào địa bàn các lô lúa giống, phân bón không đảm bảo chất lượng. Buộc thay đổi mục đích sử dụng 1 tấn lúa giống; tiêu hủy 7 tấn phân bón vi phạm.

- Về ATTP nông lâm thủy sản: Lấy 280 mẫu thực phẩm (gồm: 114 mẫu rau, củ, quả, hạt... và các sản phẩm chế biến có nguồn gốc từ thực vật; 98 mẫu có nguồn gốc từ động vật; 27 mẫu tôm nuôi; 24 mẫu sản phẩm thủy sản khai thác, tươi sống; 17 mẫu sản phẩm thủy sản chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP theo quy định. Phát hiện 02 mẫu (gồm 01 mẫu mật ong và 01 mẫu nước mắm) không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố, tỷ lệ 0,72%, (đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra ≤ 2%).

Xử phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp với số tiền 152 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: sử dụng nguyên liệu thịt lợn để chế biến giò chả không có hồ sơ chứng minh đã qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, vi phạm quy định về khai thác thủy sản.

5. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm

- Công tác tiêm phòng, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tiếp tục được tỉnh quan tâm cao chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ gia súc giết mổ tập trung bình quân đối với trâu bò đạt trên 75%, đối với lợn trên 69%, tuy vậy hoạt động cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện có 7/39 cơ sở tạm ngừng giết mổ do lượng gia súc vào lò mổ giảm mạnh.

- Công tác kiểm dịch ra ngoài tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình. Trong năm 2020 thực hiện cấp 6.866 giấy chứng nhận kiểm dịch cho động vật và sản phẩm động vật gồm: cấp 6.663 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, gồm: trâu bò 490 giấy/10.323 con, lợn thịt 5.059 giấy/297.325 con, lợn sữa 307 giấy/65.536 con, gia cầm 241 giấy/206.974 con, dê 5 giấy/609 con, chó 1 giấy/200 con , hươu 17 giấy/182 con, da 56 giấy/15.261 tấm, thịt lợn 10 giấy/1.684 kg, khác 14 giấy/101.784 kg và giống thủy sản 459 giấy/ 407 triệu post.

8. Một số tồn tại khó khăn

- Tình trạng vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa VTNN vẫn còn phức tạp, là mối nguy tiềm ẩn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng: việc cung ứng giống lúa, phân bón không đảm bảo chất lượng; kinh doanh giống lạc không có dấu hợp quy, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thuốc BVTV quá hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục... vẫn còn xảy ra;

- Việc vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng để chế biến thực phẩm, sử dụng các dụng cụ trái quy định để khai thác thủy sản (khai thác bất hợp pháp)... ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời, thường xuyên và dứt điểm mà chỉ mới phát hiện và xử lý qua các vụ việc;

[...]