Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 364/KH-UBND năm 2021 về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 364/KH-UBND
Ngày ban hành 01/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 364/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025” tỉnh Thừa Thiên Huế, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG.

1. Mục đích, yêu cầu:

a) Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) trên địa bàn tỉnh tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn; xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn và sản xuất để bán.

b) Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

c) Phát huy vai trò các cấp Hội và Hội viên Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh trong tuyên truyền, vận động và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

d) Kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.

2. Mục tiêu đến năm 2025:

a) 100% cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Loại trừ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với sản xuất để bán;

b) 100% các huyện, thị xã và Thành phố Huế xây dựng, nhân rộng mô hình của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm cho 100% các sản phẩm chủ lực trên địa bàn theo tiêu chuẩn quốc tế;

c) 100% các cấp Hội cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

3. Đối tượng:

a) Các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tập trung vào các hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm.

b) Các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

a) Mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn. Phổ biến về yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu nông lâm thủy sản. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm; Kịp thời biểu dương các mô hình hay, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản không an toàn trên địa bàn tỉnh.

- Hình thức thực hiện: Các tin, bài, phóng sự, câu chuyện, phim tài liệu, chương trình hỏi - đáp, chương trình phát thanh, truyền hình,... đăng tải trên các báo, đài ở trung ương và các báo, đài trên địa bàn tỉnh.

- Số lượng:

+ Từ 03 - 05 phóng sự/năm

+ 12-20 bài viết tuyên truyền trên báo chí/năm

b) Xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với mỗi địa phương, vùng miền để phát trên hệ thống truyền thanh cấp xã/phường, nhất là trên hệ thống phát thanh thông minh cấp xã.

Số lượng: Từ 03 - 05 chương trình/năm

c) Cơ quan thực hiện

- Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

[...]