Kế hoạch 350/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021

Số hiệu 350/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 350/KH-UBND

Lào Cai, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2021

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Văn bản số 6838/BNN-TCTS ngày 01/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ để khai thác thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh hướng đến nghề cá có trách nhiệm và bền vững, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

Lào Cai có mạng lưới sông, suối, hồ chứa tương đối nhiều, đặc biệt 02 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy có ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của tỉnh. Trên hệ thống sông, suối, hồ chứa nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá bỗng… và có các bãi đẻ tự nhiên nằm trong hệ thống bãi đẻ Quốc gia như Ngòi Nhù, ngòi Bo, ngòi Đum, bãi Soi Cờ (Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sản, bảo tồn và phát triển phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển thủy sản, khai thác thủy sản của người dân sống trên các lưu vực sông, suối, hồ chứa.

Nguồn lợi thủy sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thủy vực tự nhiên ở Lào Cai tương đối phong phú. Đến nay, chưa có dự án nghiên cứu điều tra về thành phần các loài giáp xác và các loài nhuyễn thể, nhưng đã có một số đề tài nghiên cứu về khu hệ cá của hệ thống sông Hồng, sông Chảy và các thủy vực tự nhiên. Theo kết quả nghiên cứu có trên 120 loài thuộc 10 bộ trong đó phần lớn thuộc họ cá chép (Cypriniformes), bộ cá vược (Percifomes), bộ cá nheo (Siluniformes). Về tính chất của khu hệ cá đã biết có nhiều nét độc đáo, trong số hơn 120 loài có 07 loài là cá nhập nội vào nuôi và đã phát tán ra sông (thuộc nhóm cá trôi Ấn Độ), 116 loài là cá nguồn gốc địa phương (cá Việt Nam), trong đó 13 loài cá quý hiếm như: cá chiên, cá bỗng, cá lăng, cá chày đất, cá hoa, cá thần, cá rầm xanh, cá Anh vũ, cá chày chàng, chạch chấu, rầm vàng, cá sỉnh, cá mỡ.

Một số loài cá đẻ tự nhiên trên sông thuộc địa phận tỉnh Lào Cai: Khu vực cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), Ngòi Bo, Ngòi Nhù (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ tự nhiên của cá chiên; bãi Soi Cờ (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ của cá trắm, cá bỗng; các bờ lau sậy ven sông Hồng là bãi đẻ của cá trôi, cá chép,…

Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không cao do nguồn nước bị suy giảm chất lượng, các vùng nước gần khu dân cư và khu công nghiệp bị ô nhiễm; người dân làm nghề khai thác thủy sản chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ không theo quy hoạch, đặc biệt tình trạng sử dụng công cụ kích điện, mìn nổ, nghề lưới kéo mắt nhỏ, khai thác cá trong mùa sinh sản còn phổ biến.

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao sẽ được bảo vệ, phục hồi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản trên các lưu vực sông, hồ chứa, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản. Mặt khác nguồn giống thủy đặc sản (cá chiên, cá lăng, cá bỗng...) sẽ được khai thác hợp lý để phục vụ cho công tác nghiên cứu và sản xuất. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cộng đồng dân cư sinh sống trong lưu vực hồ chứa, đặc biệt các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản các bãi đẻ, đường di cư sinh sản của các loài thủy sản để họ hiểu và thực hiện hành vi khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đúng quy định của pháp luật.

Khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trên địa bàn.

Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh trên địa bàn tỉnh, trọng tâm các loại hình mặt nước thuộc lưu vực 02 dòng sông Hồng, sông Chảy và các hồ chứa.

Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong các lưu vực sông và hồ chứa. Kết hợp giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với phát triển tổng thể kinh tế, bảo vệ môi trường tài nguyên thủy sinh vật và lợi ích của các ngành và địa phương trong tỉnh.

Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các các thủy vực, nâng cao mật độ thủy sản tự nhiên ở các thủy vực, nâng cao mức sống cho người dân sống ven sông, hồ.

Nâng cao ý thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, tài liệu tuyên truyền; xây dựng mạng lưới thông tin dữ liệu về bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ các cơ quan nhà nước đến các cơ sở.

Nâng cao thu nhập cho nhân dân trong khu vực sông, hồ thông qua quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn thủy sản tại các sông, hồ này.

2. Yêu cầu

Có sự tham gia của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở.

Sự tham gia ủng hộ, đóng góp về nhân lực, vật lực của các tổ chức, cá nhân và sự hưởng ứng trách nhiệm của cộng đồng dân cư…

IV. NỘI DUNG

1. Tổ chức Lễ thả cá tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản

1.1. Địa điểm: Dọc lưu vực sông Hồng, sông Chảy và các hồ chứa trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai.

2.2. Thời gian, tiến độ thực hiện

[...]