Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2020 triển khai thực hiện Thông tri 38-TT/TU thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới do Thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 35/KH-UBND
Ngày ban hành 11/02/2020
Ngày có hiệu lực 11/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 11 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THÔNG TRI SỐ 38-TT/TU NGÀY 06/12/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 03/9/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Thông tri số 38-TT/TU, ngày 06/12/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy (Thông tri số 38-TT/TU) thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tri số 38-TT/TU, tạo chuyển biến rõ về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, người lao động, tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

2. Xác định các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể của các cấp, các ngành để Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Thông tri số 38-TT/TU.

3. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công; bảo đảm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ:

a) Các Sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Thông tri số 38-TT/TU. Tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn và hàng năm để chỉ đạo và triển khai thực hiện; bảo đảm bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong từng giai đoạn.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động và quan hệ lao động, nhất là nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành luật tới mọi tầng lớp nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng, Liên minh Hợp tác xã Doanh nghiệp thành phố và các cơ quan có liên quan để xây dựng các nội dung, định hướng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại để vận động, tập hợp người lao động, người sử dụng lao động tham gia, hoạt động trong các tổ chức đại diện của mình, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định.

- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình quan hệ lao động và an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

2. Tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ lao động; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động:

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ thành phố đến cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; bố trí biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở thành phố để vừa thực hiện giải quyết tranh chấp, vừa hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

b) Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động; quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, quản lý tổ chức đại diện của người lao động; thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tranh chấp lao động, đình công; thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu của Bộ luật Lao động năm 2019 và Chỉ thị số 37-CT/TW.

- Chỉ đạo Thanh tra Lao động tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về lao động, nhất là việc tuân thủ các quy định của pháp luật lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung thường xảy ra tranh chấp lao động; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động.

- Đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các tranh chấp, xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường phối hợp tích hợp thông tin, dữ liệu về quan hệ lao động để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động.

c) Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng:

- Phối hợp, cung cấp thông tin cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội về những doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có biểu hiện không tuân thủ các quy định của pháp luật lao động; những doanh nghiệp thường xảy ra tranh chấp lao động và đình công, để tiến hành thanh tra, kiểm tra.

- Bố trí cán bộ có đủ năng lực theo dõi tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan hệ lao động phục vụ cho công tác quản lý về quan hệ lao động thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế và cả thành phố.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các địa phương rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển khu dân cư, bảo đảm sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng khu công nghiệp với hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị, khu dân cư và phát triển nhà ở, công trình phúc lợi cho công nhân lao động.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động để làm căn cứ giải quyết chế độ cho người lao động.

[...]