Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 348/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 348/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2023
Ngày có hiệu lực 20/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 348/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM GAN VI RÚT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

I. THÔNG TIN CHUNG

Bệnh Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan vi rút. Có nhiều loại vi rút viêm gan khác nhau, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự như vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong các loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao. Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định, với viêm gan vi rút C dù chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

1. Tình hình bệnh viêm gan vi rút trên thế giới

Theo báo cáo của WHO năm 2021, có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C và khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút trong đó có 96% là do viêm gan B và viêm gan C mà nguyên nhân chủ yếu là do ung thư biểu mô tế bào gan và xơ gan. Ngoài ra, viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan A và E cũng góp phần vào tỷ lệ tử vong do viêm gan vi rút. Theo kết quả nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất.

2. Tình hình bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam và Thừa Thiên Huế

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan B và C. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) lần lượt là 8 - 20% và 31 - 54% trong nhóm dân số nói chung và tại các thành thị có nguy cơ cao. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo kết quả giám sát huyết thanh học năm 2018-2019 do Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thực hiện thì tỷ lệ người nhiễm viêm gan B (HbsAg dương tính) là 7,6% và nhiễm viêm gan C (Anti-HCV dương tính) là 2,6%. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng bởi hệ thống số liệu chỉ ghi nhận người dân được phát hiện bệnh viêm gan qua khám bệnh khác hoặc giai đoạn phát bệnh nặng. Còn một số lượng lớn người dân đã mắc bệnh viêm gan vi rút chưa được phát hiện trong cộng đồng do chưa có biểu hiện lâm sàng và chưa đi khám bệnh, đây là những người có yếu tố nguy cơ rất cao tiến triển bệnh nặng hoặc biến chứng xơ gan, ung thư gan, để lại gánh nặng bệnh tật và ảnh hưởng sức lao động.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Trẻ em.

- Quyết định số 7130/QĐ-BYT ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.

- Quyết định số 3310/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút B.

- Quyết định 1868/QĐ-BYT ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn xét nghiệm vi rút viêm gan B, C.

- Quyết định số 2065/QĐ-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút C.

- Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch Phòng chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan

2.1.1. Tiêm chủng vắc xin viêm gan B

Mục tiêu: Giảm tỷ lệ HBsAg ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%.

Chỉ tiêu:

- 100% bệnh viện và các cơ sở y tế có phòng sinh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.

- Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B:

+ Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 85%.

+ Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm vắc xin viêm gan B đủ 3 liều cơ bản (VGB3) đạt trên 95%.

[...]