Kế hoạch 3465/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 3465/KH-UBND
Ngày ban hành 10/04/2018
Ngày có hiệu lực 10/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3465/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 10 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2018 - 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Văn bản số 39/UBDT-DTTS ngày 16/01/2018 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới; tiến dần tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới. Góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.

2. Yêu cầu

a) Các hoạt động trong Kế hoạch phải cụ thể, khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở từng địa phương. Chú trọng đến các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có biểu hiện, nguy cơ cao về bất bình đẳng giới để xác định các hoạt động ưu tiên và tăng cường nguồn lực trong triển khai thực hiện.

b) Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Kế hoạch với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan đã và đang được triển khai tại địa phương đảm bảo không chồng chéo, tiết kiệm, hiệu quả.

c) Phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công mục tiêu của chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Phấn đấu đạt mục tiêu cụ thể sau:

a) Có 100% cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây gọi chung là cấp huyện), 80% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện; các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và già làng, người có uy tín vùng dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Ít nhất 65% cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp huyện, cấp xã được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách.

b) Phấn đấu 85% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới.

c) Có 100% học sinh dân tộc thiểu số đang học tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) được tuyên truyền về kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi.

d) Có 50 - 60% các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xây dựng mô hình về bình đẳng giới và phong trào chống bạo lực trên cơ sở giới.

2. Phạm vi và đối tượng thực hiện

a) Phạm vi thực hiện: Các huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

b) Đối tượng thực hiện: Đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, người có uy tín; cán bộ và các tổ chức đoàn thể ấp, khu phố; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn các huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo giai đoạn và từng năm. Thu thập thông tin và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh

a) Căn cứ các quy định hiện hành và nội dung Kế hoạch, các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương theo từng giai đoạn và từng năm.

b) Chú trọng hoạt động thu thập thông tin, số liệu liên quan theo định kỳ và hàng năm để làm căn cứ tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp với từng địa bàn cụ thể cũng như đánh giá hiệu quả triển khai Kế hoạch.

c) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ hàng năm và trong từng giai đoạn (cần quan tâm so sánh các mục tiêu, chỉ tiêu trước và sau khi thực hiện).

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán địa phương nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số, lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

a) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động thường xuyên tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cụ thể: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, thiết kế, in ấn và phát hành các sản phẩm truyền thông phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, trình độ của đồng bào dân tộc; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng và lưu động tại các khu phố, ấp,...

b) Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các thiết chế văn hóa, hương ước, quy ước, nếp sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số.

[...]