Kế hoạch 3418/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 106/NQ-CP phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 3418/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2024
Ngày có hiệu lực 02/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Trần Hòa Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3418/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 02 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 106/NQ-CP NGÀY 18/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 106/NQ-CP);

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 11/01/2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của HĐND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định 4325/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt “Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 880/TTr-SNN ngày 26/02/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch hỗ trợ, phát triển hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG HTX NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HIỆN NAY

1. Tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp

Đến tháng 12 năm 2023, toàn tỉnh có 132 HTX. Trong đó, có 114 HTX đang hoạt động có: 55 HTX chuyển đổi, 59 HTX mới thành lập với 40.542 thành viên và có 18 HTX ngừng hoạt động, chưa giải thể.

Số lượng HTX đang hoạt động được phân loại theo ngành nghề cụ thể gồm: 87 HTX trồng trọt, 05 HTX chăn nuôi, 04 HTX khai thác thủy sản, 07 HTX nuôi trồng thủy sản, 04 HTX diêm nghiệp và 07 HTX tổng hợp.

Các HTX đăng ký hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố cụ thể: Vạn Ninh: 20 HTX, Ninh Hòa: 27 HTX, Nha Trang: 08 HTX, Diên Khánh: 28 HTX, Khánh Vĩnh: 09 HTX, Cam Lâm: 05 HTX, Cam Ranh: 09 HTX và Khánh Sơn: 07 HTX.

Hàng năm, việc đánh giá xếp loại các HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện theo yêu cầu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Trong năm 2023, có 88/118 HTX đánh giá xếp loại, chiếm tỷ lệ 63,76% (trong đó: loại tốt 24 HTX chiếm 27,27%, khá 33 HTX chiếm 37,5%, trung bình 27 HTX chiếm 30,68%, yếu 04 HTX chiếm 4,5%) và 50 HTX không đánh giá xếp loại, chiếm tỷ lệ 36,33 %.

2. Kết quả đạt được

- Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương đã tạo thuận lợi cho nhiều HTX được đổi mới, gắn lợi ích của thành viên với lợi ích của HTX một cách thiết thực, mục tiêu của HTX chủ yếu đem lại nhiều lợi ích cho thành viên thông qua việc cung ứng các dịch vụ như làm đất, lúa giống, thu hoạch, vật tư nông nghiệp với giá trị thấp hơn giá thị trường 20%, góp phần tăng thu nhập cho thành viên, giảm được một số HTX trì trệ yếu kém, số HTX có lãi tăng. Trên địa bàn tỉnh, nhiều HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế theo chuỗi liên kết.

- Các HTX luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, hoạt động cung ứng các dịch vụ thiết yếu như: thủy nông, vật tư nông nghiệp, làm đất, giống, khuyến nông, thu hoạch và chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất cho khoảng 80% thành viên phục vụ sản xuất nông nghiệp. HTX tham gia liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm, mỗi năm cung ứng hàng trăm tấn muối, rau quả, lúa giống được xác nhận chất lượng cho thị trường. Hoạt động kinh tế của HTX mang lại lợi ích cho thành viên thông qua cung cấp dịch vụ đầu vào thấp hơn 20% và dịch vụ đầu ra cao hơn 10% so với các hộ không phải thành viên HTX. Đến nay, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 50%/tổng số HTX.

- Nhận thức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã về phát triển kinh tế hợp tác được nâng lên. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước từng bước được củng cố; nhiều chính sách liên quan của tỉnh được ban hành để hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển; góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thành phần kinh tế hợp tác với thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.

- HTX tham gia thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy tinh thần cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ việc làm và là cầu nối giữa thành viên HTX với Nhà nước; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế hộ.

- HTX khai thác tốt các nguồn lực về vốn, lao động, kỹ thuật của từng thành viên trong tham gia xây dựng nông thôn mới như: tổ chức sản xuất nông nghiệp, quản lý, sửa chữa công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật; mở rộng các hoạt động dịch vụ; hướng dẫn thực hành quy trình nông nghiệp tốt cho thành viên; góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và đạt tiêu chí nông thôn mới.

3. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

- Tốc độ tăng trưởng số lượng HTX hàng năm còn chậm và tỷ lệ đóng góp cho ngân sách của tỉnh còn thấp so với các thành phần kinh tế khác trên địa bàn.

- Cán bộ quản lý HTX chưa có chuyên môn chiếm 80% tổng số và đa số lớn tuổi, chủ yếu trưởng thành qua kinh nghiệm; hoạt động của HTX chưa thu hút được lao động có trình đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX.

- Thành viên chưa nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của mình trong HTX; chưa hiểu đầy đủ các quan hệ phân phối, thu nhập, quản lý, sở hữu, các nguyên tắc hoạt động và chưa quan tâm đến phương án tăng vốn điều lệ và huy động vốn của HTX để mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Nhiều HTX thiếu đất nông nghiệp để thực hiện các Dự án sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cao làm ảnh hưởng đến phát triển quy mô lớn của HTX dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.

- Các HTX chưa phát huy được vai trò kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; chưa có giải pháp để chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ dừng ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu phục vụ kinh tế hộ thành viên.

- Hệ thống quản lý nhà nước các cấp về kinh tế hợp tác còn nhiều hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, chủ yếu chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm, cấp ủy và chính quyền cơ sở chưa nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác, nên nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý cấp tỉnh đến cấp xã về kinh tế hợp tác chưa đầy đủ.

- Các HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, vốn điều lệ thấp, ngành nghề kinh doanh đơn điệu, thiếu cơ sở vật chất để hoạt động, năng lực của cán bộ quản lý HTX còn yếu và cán bộ quản lý thiếu gắn bó đã làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của HTX.

- Các HTX mới thành lập, cơ cấu tổ chức còn lỏng lẻo, dẫn đến lúng túng trong quản lý HTX, thậm chí nhiều HTX chưa góp vốn đầy đủ theo cam kết tại điều lệ; mặc dù đã có phương án kinh doanh, nhưng các HTX chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, vì vậy, nhiều HTX chưa có sản phẩm để tham gia thị trường, dẫn đến chưa có doanh thu và thu nhập cho thành viên.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025

[...]