Kế hoạch 3412/KH-UBND năm 2023 triển khai thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 3412/KH-UBND
Ngày ban hành 09/10/2023
Ngày có hiệu lực 09/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3412/KH-UBND

Kon Tum, ngày 09 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (Nghị quyết số 82/NQ-CP); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP phù hợp với tình hình phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Yêu cầu: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải quyết liệt, chủ động, thực chất và hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ căn bản về nhận thức; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển du lịch của tỉnh theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...); phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn; thực hiện các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Về đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch

+ Kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân.

+ Công nhận ít nhất 01-02 khu, 04-08 điểm du lịch địa phương. Thu hút đầu tư 02 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 01-02 sản phẩm du lịch đặc trưng.

+ Phấn đấu xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.

- Về lượt khách du lịch: Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người. Số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên.

- Về lao động ngành du lịch: Lao động phục vụ trong ngành du lịch khoảng 3.000 người (trong đó lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 1.500 người).

- Về tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch: Chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- Về đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch

+ Có ít nhất 9-10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn hạng từ 4 đến 5 sao.

+ Công nhận thêm 01-02 khu du lịch cấp tỉnh, 06-10 điểm du lịch địa phương. Thu hút đầu tư thêm 01 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao.

+ Phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí để công nhận Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông đạt chuẩn Khu du lịch cấp quốc gia.

- Về lượt khách du lịch: Phấn đấu đón trên 3,5 triệu lượt khách du lịch.

- Về lao động ngành du lịch: Lao động phục vụ trong ngành du lịch khoảng 3.500 người (trong đó lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 2.000 người).

- Về tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch: Chiếm khoảng 15% GRDP của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững

- Thực hiện việc đánh giá, rà soát lại cơ cấu ngành du lịch của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm thương mại,...

[...]