ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 84/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày 22
tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18
THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI,
TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số
82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;
Căn cứ Quyết định số
1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm
2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc
phát triển du lịch hiệu quả, bền vững của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
1921/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Trà Vinh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18
tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi,
tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Bình
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN
DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Kèm theo Quyết định số: 84/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa và triển khai tổ
chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 82/NQ-CP
ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh
phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình
thực tế của tỉnh.
- Xác định các nhiệm vụ, giải
pháp trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển du lịch;
tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành cùng toàn
thể Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi,
tăng tốc phát triển du lịch.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai Kế hoạch phải
quyết liệt, chủ động, thực chất, chất lượng và hiệu quả.
- Nội dung Kế hoạch phải thiết
thực, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ
trì, cơ quan phối hợp ở các cấp.
- Bảo đảm sự phối hợp thường
xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị và
địa phương có liên quan trong thực hiện Kế hoạch.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh
có thương hiệu du lịch, là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực đồng bằng
sông Cửu Long. Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch của tỉnh hiệu quả,
bền vững. Từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2025: Tập trung xây dựng
điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: Du lịch văn hóa - lễ hội,
du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp
(kết hợp đầu tư nông nghiệp và phát triển du lịch). Mỗi địa phương trong tỉnh
xây dựng ít nhất 01 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh; đón hơn 1,7 triệu lượt
khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp
của ngành du lịch đối với GRDP của tỉnh là 0,9%.
- Đến năm 2030: Du lịch cơ bản
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản
phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn
hóa dân tộc; hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ
khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc
gia; đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 45.000 lượt khách quốc tế;
chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch đối với GRDP của tỉnh là 1,3%; nguồn
nhân lực hoạt động trong ngành du lịch khoảng 1.900 người, trong đó có khoảng
90% được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ
hoạt động du lịch.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Đẩy mạnh
cơ cấu lại ngành du lịch Trà Vinh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng,
bền vững
- Thực hiện việc đánh giá, rà
soát lại cơ cấu ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch
trong tình hình mới, trong đó chú trọng đến các yếu tố đánh giá về thị trường
khách du lịch, tiềm năng khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du
lịch để từ đó có định hướng, giải pháp chỉ đạo đột phá phát triển thu hút nhanh
thị trường khách du lịch trong tỉnh, trong nước, khách quốc tế.
- Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm
du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang bản sắc
riêng của tỉnh Trà Vinh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Chú trọng liên kết
giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền
vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả
Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nghị quyết,
chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, bảo đảm đồng bộ; bám sát định
hướng quy hoạch về các vùng, hành lang du lịch.
2. Tiếp tục
tạo thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Trà Vinh
- Tăng cường quản lý môi trường
du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ
sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng dịch.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao
hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế
hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt. Tổ chức, quản lý tốt hoạt động kinh
doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh
du lịch; tổ chức giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư vào các khu vực có tiềm
năng phát triển du lịch; chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các tài nguyên
tự nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đảm bảo việc triển khai các dự
án phát triển kinh tế - xã hội, song không phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây
ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch;
chú trọng phát triển nghệ thuật văn hóa dân tộc: các loại hình nhạc cụ dân tộc,
nghệ thuật múa Khmer và nghệ thuật sân khấu cải lương.
- Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các
doanh nghiệp du lịch, thu hút các doanh nghiệp du lịch uy tín, có thương hiệu mở
các tour, tuyến du lịch tới các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
- Khuyến khích thành lập doanh
nghiệp lữ hành quốc tế, nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh
lữ hành mở rộng thị trường, gắn kết các khu, điểm du lịch trong tỉnh vào các
tour, tuyến du lịch của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đẩy mạnh
hoạt động dịch vụ phục vụ tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu
đi lại, ăn nghỉ và vui chơi giải trí của du khách.
- Tạo chuyển biến rõ nét về du
lịch cộng đồng, hình thành các điểm đến du lịch cộng đồng mới.
3. Tăng
cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào
các khu, điểm du lịch trọng điểm
- Quy hoạch phát triển du lịch
tích hợp và lồng ghép vào trong Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050.
- Nâng cao chất lượng tour, tuyến
du lịch, xây dựng 03 không gian du lịch mới có tính liên vùng.
+ Không gian du lịch đô thị
xanh thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận gồm: Tham quan thành phố Trà Vinh và
các điểm phụ cận như Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ao Bà Om, Khu Di
tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Làng văn hóa dân tộc Khmer; tham
quan các cồn trên sông gồm: Cồn Hô huyện Càng Long, Cồn Chim huyện Châu Thành.
+ Không gian du lịch sinh thái
biển: Tham quan các điểm du lịch làng nghề, tâm linh, rừng ngập mặn theo tuyến
Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải.
+ Không gian du lịch sinh thái
miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc: Gồm các sản phẩm vườn trái cây, trải nghiệm
văn hóa dân tộc, sản phẩm du lịch nông nghiệp mật hoa dừa theo tuyến Tiểu Cần,
Cầu Kè, Trà Cú.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để
các doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du
khách.
- Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách
Nhà nước cho việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, công tác bảo vệ và
tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân
lực.
- Tổ chức một số diễn đàn để
trao đổi, thống nhất nhận thức về sự cần thiết liên kết trong phát triển du lịch
giữa Trà Vinh và các địa phương lân cận, các địa phương trong vùng. Cần có được
những bước đi cụ thể hướng đến sự liên kết sau các hội thảo, các lễ ký kết.
- Chú trọng đầu tư, hoàn thiện
hạ tầng giao thông kết nối Trà Vinh với các địa phương lân cận bằng cả đường bộ,
đường thủy.
- Tập trung khai thác các tuyến
du lịch đã liên kết với các tỉnh Cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long như:
Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An. Tiếp tục xây dựng các tour,
tuyến du lịch liên kết mới.
- Xây dựng cơ chế phối hợp để
triển khai hoạt động giao lưu văn hoá. Phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn
hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại,
hợp tác đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính
trong cấp phép hoạt động lữ hành; công nhận xếp loại, hạng các cơ sở lưu trú du
lịch; hỗ trợ hướng dẫn và cung cấp thông tin thủ tục hành chính cho doanh nghiệp,
tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch. Tiếp tục
rà soát giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
4. Phát triển
sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
4.1. Phát triển các sản phẩm
du lịch chính
- Tập trung phát triển sản phẩm
du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải
nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phù hợp với
nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch.
- Xã hội hóa đầu tư phát triển
các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sông nước miệt vườn,...
+ Du lịch văn hóa: Khu Di tích
lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; hình thành sản phẩm du lịch lễ hội, làng
nghề, di sản của dân tộc Khmer Trà Vinh tại: Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc
gia Ao Bà Om, các chùa Khmer tiêu biểu, tham quan làng nghề, ẩm thực truyền thống
của dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố Trà Vinh, các huyện: Châu Thành, Trà
Cú, Cầu Ngang; xây dựng Làng văn hóa dân tộc Khmer tiêu biểu tại ấp Ba Se A, xã
Lương Hòa, huyện Châu Thành.
+ Du lịch lễ hội - tâm linh:
Phát triển du lịch gắn với các Lễ hội: Ok Om Bok, Nghinh Ông, Vu Lan Thắng hội,
Nguyên Tiêu Thắng hội; tham quan Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, các cơ sở thờ tự,
tín ngưỡng.
+ Du lịch sinh thái biển: Phát
triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí, tham quan tại
Khu du lịch biển Ba Động; điểm du lịch sinh thái Hàng Dương, Cồn Nghêu, Cồn Bần,
huyện Cầu Ngang; du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng tại Nông
trường 22/12 thị xã Duyên Hải và rừng ngập mặn huyện Duyên Hải.
+ Du lịch sinh thái sông nước
miệt vườn gắn với vườn cây ăn trái tại: Cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè; Cồn Hô,
huyện Càng Long; cù lao Long Trị, thành phố Trà Vinh.
+ Du lịch tại các làng nghề
tiêu biểu của tỉnh: Nghề sản xuất bánh tét, cốm dẹp huyện Cầu Ngang; nghề tiểu
thủ công nghiệp Đại An, huyện Trà Cú; nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ xã Lương
Hòa, huyện Châu Thành; nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ, huyện Càng Long;
nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành,…
+ Phát triển du lịch cộng đồng
tại xã Hòa Ân, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè; xã Nhị Long, xã Đức Mỹ, xã Đại Phúc,
xã Đại Phước, huyện Càng Long; xã Nguyệt Hóa, xã Long Hòa, xã Hòa Minh, huyện
Châu Thành; ấp Nhà Mát, ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải; ấp Cồn
Ông, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải.
+ Phát triển du lịch cộng đồng
gắn với các loại hình ứng dụng công nghệ cao như Mật hoa dừa; du lịch miệt vườn
và du lịch tâm linh tại huyện Tiểu Cần.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ
phục vụ khách tham quan du lịch tại các di tích, cơ sở thờ tự tiêu biểu trong tỉnh
được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.
- Đưa vào khai thác loại hình Đờn
ca tài tử, giao lưu văn hóa văn nghệ.
4.2. Xây dựng, kết nối các
tour, tuyến du lịch và thị trường khách du lịch theo các hướng
4.2.1. Tuyến nội tỉnh
- Tuyến du lịch cộng đồng:
Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hoá, Du lịch Khmer - Cồn Chim.
- Tuyến du lịch sinh thái:
Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hoá, Du lịch Khmer - Cồn Hô.
- Tuyến du lịch văn hoá - sinh
thái: Tiểu Cần - Cầu Kè.
- Tuyến du lịch sinh thái biển
Ba Động.
- Tuyến du lịch văn hoá huyện
Trà Cú.
4.2.2. Tuyến liên kết các tỉnh,
thành phố
- Tuyến du lịch liên kết “Non
nước hữu tình”: Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc
Trăng - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau.
- Tuyến du lịch tiểu vùng Duyên
Hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
4.3. Truyền thông quảng bá,
xúc tiến du lịch
- Ứng dụng công nghệ thông tin,
mạng xã hội như: Zalo, facebook, tiktok,... để tăng hiệu quả quảng bá, xúc tiến
du lịch.
- Tăng cường nguồn kinh phí cho
công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, phối hợp với
các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Kết hợp sử dụng nguồn lực của
Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động du lịch; xã hội
hóa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; huy động các doanh nghiệp cùng tham
gia công tác xúc tiến du lịch.
- Xây dựng các ấn phẩm chuyên
nghiệp bằng nhiều thứ tiếng để phục vụ công tác quảng bá du lịch, ấn phẩm
chuyên đề riêng (du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch
sinh thái,...) để giới thiệu cho du khách, chuyên gia, các hãng lữ hành tại các
buổi đón đoàn famtrip, tham gia hội chợ, hội thảo xúc tiến du lịch trong nước
và quốc tế.
- Rà soát, cắm biển chỉ dẫn
trên các tuyến đường vào các điểm du lịch đảm bảo du khách thuận lợi trong việc
tìm kiếm điểm đến.
- Tăng cường, chú trọng công
tác xúc tiến, quảng bá ra các thị trường xa như miền Trung, miền Bắc, thị trường
nước ngoài.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo,
diễn đàn về xúc tiến đầu tư du lịch; liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm
đến tại các thị trường du lịch trọng điểm.
- Mở rộng liên kết với các tỉnh,
thành phố nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm liên kết
du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch.
5. Nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực du lịch
- Thường xuyên bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và người lao động trong
lĩnh vực du lịch.
- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức,
kỹ năng, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch của tỉnh;
kỹ năng quản lý điểm đến cho quản lý các khu, điểm du lịch, du lịch cộng đồng;
nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú du lịch; tập huấn cho các chủ nhà vườn, các điểm
du lịch về cách thức hướng dẫn, giới thiệu cho khách tham quan.
- Nâng cao chất lượng đào tạo
nghề, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong vùng có đề án phát triển
du lịch theo hướng đào tạo các nghề làm dịch vụ, du lịch.
- Thu hút lao động có chất lượng
cao từ các địa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch
của tỉnh.
6. Đẩy
nhanh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng
du lịch thông minh nhằm giúp ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển trong
tình hình mới.
- Khuyến khích doanh nghiệp du
lịch chủ động trong việc chuyển đổi số, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi,
thích ứng nhanh với dịch bệnh, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các địa điểm du lịch sẵn
có hoàn chỉnh trên hệ thống thông tin du lịch quốc gia để thu hút du khách.
- Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực ngành du lịch có đủ trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu đổi mới
và ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch, trong đó tập trung đào tạo các lớp
về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, trong
bán hàng trực tuyến,…
- Xây dựng hệ sinh thái du lịch
thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng
cao trải nghiệm cho du khách.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện được bố trí
từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển
khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình
hình thực hiện và định kỳ hàng năm gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Rà soát các chương trình, kế
hoạch, đề án về phát triển du lịch của tỉnh để kịp thời điều chỉnh bổ sung cho
phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
- Tham mưu công tác đa dạng hóa
hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác
trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững; tạo thuận lợi thu hút
khách du lịch đến Trà Vinh; công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến đầu tư du
lịch, xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch. Đẩy mạnh việc phát triển các sản
phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch biển,
du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
và cộng đồng đầu tư phát triển du lịch.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Thực hiện tốt việc
bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn với
phát triển du lịch cộng đồng.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng
cường thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm
du lịch trọng điểm theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp,
các sản phẩm du lịch đặc thù. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn,
đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo hoàn thành và đưa vào sử dụng
đúng kế hoạch.
3. Sở Tài chính trên cơ
sở đề xuất kinh phí của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên
quan đến việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền
bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách địa phương và phân cấp ngân
sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố thực hiện phát triển hạ tầng giao thông tại các khu, điểm du lịch
trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp dựng biển chỉ dẫn du lịch tại các nút
giao thông theo các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch
vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách du lịch tham gia giao thông.
5. Sở Xây dựng chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan tham mưu công tác quy hoạch xây dựng
và phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch phù hợp với định hướng theo Quy
hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch
liên quan.
6. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn lồng ghép nội dung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch
nông thôn với chương trình phát triển nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông
thôn, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển các sản phẩm
du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn,
văn hóa cộng đồng, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đẩy mạnh
kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông
qua các doanh nghiệp lữ hành, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan xác định khu vực đất
được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp du lịch. Hướng dẫn xây dựng quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các khu, điểm du lịch; phối hợp quản lý chặt chẽ
việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.
8. Sở Công Thương phối hợp
với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn kết các chương trình xúc tiến thương mại,
tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, làng nghề với hoạt động phát triển
du lịch trong và ngoài nước; phối hợp tham mưu thu hút nhà đầu tư xây dựng dự
án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại các khu, điểm du lịch nhằm giới thiệu,
quảng bá và đẩy mạnh trao đổi, lưu thông hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là các sản
phẩm đặc trưng của tỉnh.
9. Báo Trà Vinh, Đài Phát
thanh và Truyền hình Trà Vinh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thường xuyên có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung Kế hoạch này về
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu
quả, bền vững đến toàn thể tầng lớp Nhân dân.
10. Sở Thông tin và Truyền
thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh truyền thông quảng
bá về du lịch, xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá theo
cách làm mới; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh
thái du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình ngoại
khóa giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch của quê
hương thông qua hành trình trải nghiệm các di tích văn hóa, lịch sử cho học
sinh, sinh viên trong tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ được giao.
12. Sở Y tế chủ trì, phối
hợp với các địa phương bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các điểm
du lịch trọng điểm và các thời điểm diễn ra lễ hội có đông khách du lịch.
13. Công an tỉnh chủ
trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan,
đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và
trật tự xã hội tại các khu, điểm du lịch; kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn
và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn cho du khách. Tăng cường chỉ đạo
các đơn vị chức năng thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm thực
hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh
doanh du lịch. Bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du
lịch đến Trà Vinh. Tạo điều kiện thuận lợi về quy định xuất, nhập cảnh cho du
khách quốc tế đến tỉnh Trà Vinh.
14. Các sở, ban, ngành tỉnh căn
cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
triển khai thực hiện Kế hoạch này.
15. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Chủ động triển khai thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch
tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Tăng cường công tác quy hoạch, thu hút mời gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch
trên địa bàn.
- Chủ động bố trí quỹ đất, ưu
tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi, để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực
vào đầu tư các dự án lớn về du lịch.
- Nâng cao trách nhiệm trong việc
đổi mới nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển
du lịch./.