Kế hoạch 339/KH-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 339/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 339/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, PHÂN LOẠI, THU GOM VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI NHỰA GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2018-2020

Hưởng ứng phong trào “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 13/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 280/KH-UBND về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chống chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt hưởng ứng, thay thế sử dụng chai nhựa dùng một lần bằng các dụng cụ chứa nước bằng thủy tinh trong các cuộc hội họp; thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại cơ quan, trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động thu gom, tái chế chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng… nhằm thay đổi thói quen sử dụng nước uống đóng chai bằng nhựa trong các cuộc họp trước đây. Nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống chất thải nhựa” của Ủy ban nhân dân Tỉnh phát động được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ triển khai, lồng ghép trong các đợt tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ra quân hưởng ứng các chiến dịch, ngày lễ về môi trường, lễ Tết hàng năm.

- Về tuyên truyền: đã tổ chức khoảng 200 đợt ra quân tuyên truyền kết hợp thu gom rác thải các loại, trong đó có trên 06 tấn rác thải nhựa, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt đặc biệt do túi ni-lông gây ra làm tắc nghẽn một số tuyến kênh, rạch1; tổ chức 875 đợt tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy với khoảng 46.087 người tham dự2; 415 buổi tuyên truyền cho khoảng 9.298 hội viên và nhân dân gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tác hại của túi ni-lông, các sản phẩm nhựa khó phân hủy3; tuyên truyền đến khách du lịch, khách tham quan giữ ý thức vệ sinh môi trường; treo 500 băng rôn, lắp 230 pa-nô tuyên truyền tác hại của nhựa khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần ở một số khu vực công cộng4.

- Xây dựng mô hình truyền thông: phát động mô hình quán ăn với văn hóa “Nói không với rác thải nhựa”5, đã thu hút 200 địa điểm kinh doanh cam kết thực hiện; thực hiện 10 mô hình Đổi chất thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông) lấy nhu yếu phẩm cần thiết (tập, viết, túi vải hoặc chai thủy tinh…) với trên 1.000 người hưởng ứng; có khoảng 187 tiểu thương các chợ cam kết thực hiện mô hình Tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy6; tổ chức 31 sân chơi phân loại nhựa, làm túi môi trường bằng giấy, làm mô hình từ ống hút, ly, chai nhựa đã qua sử dụng,… với trên 2.700 học sinh, đoàn viên tham gia7. Trong môi trường học tập, các em học sinh đã thử nghiệm mô hình “Nói không với rác thải nhựa trong trường học”8; thu gom các sản phẩm từ nhựa, chai thủy tinh, hộp kim loại, giấy vụn, sách báo đã qua sử dụng để tái sử dụng hoặc bán phế liệu, kinh phí có được từ mô hình này có thể sử dụng làm quỹ hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi; vận động hạn chế sử dụng chai, ly nhựa tại các trường tiểu học, hỗ trợ trang bị thùng rác và dụng cụ thu gom tại trường học.

- Nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia cùng chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng giảm thiểu chất thải nhựa, treo băng rôn, pa-nô, áp phích với các khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chất thải nhựa tại cơ sở, xí nghiệp, nhà máy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Chống chất thải nhựa” vẫn còn gặp nhiều hạn chế nhất định. Việc sử dụng các sản phẩm thay thế chai nhựa chứa nước trong các hội nghị ở một số nơi còn chưa được triển khai áp dụng đồng bộ và tích cực hưởng ứng. Công tác tuyên truyền các phong trào hạn chế sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần còn chưa đi vào chiều sâu và phát huy được hiệu quả do giá thành và chi phí các sản phẩm nhựa còn thấp so với các sản phẩm thân thiện với môi trường và túi ni-lông sinh học tự hủy. Do đó, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn sử dụng nhiều trong các hoạt động kinh doanh, mua bán; đặc biệt là các khu vực chợ, cửa hàng tiện lợi dẫn đến việc chưa thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, phong trào “Chống chất thải nhựa” còn gặp nhiều trở ngại và cần tiếp tục được duy trì, khuyến khích thực hiện trong thời gian tới.

Để tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác “Chống chất thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch Tăng cường quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với các nội dung sau:

II. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

- Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 13 tháng 11 năm 2014;

- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022);

- Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương;

- Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;

- Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

- Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống chất thải nhựa giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai đồng bộ nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Tạo sự đột phá về nhận thức, ứng xử của cộng đồng bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực trong việc phân loại thu gom, tái sử dụng, tái chế các loại chất thải nhựa, tiến tới từ bỏ thói quen, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông, bao bì nhựa khó phân hủy và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đều chấp hành và thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý chất thải nhựa phát sinh hàng ngày trong mua sắm, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chất thải nhựa phát sinh phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định và không được thải bỏ xuống sông rạch, ao, hồ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở không sử dụng chai nhựa dùng một lần và có biện pháp hạn chế hữu hiệu việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường tại đơn vị.

- 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần9.

- Sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy10.

- Các khu đô thị trên địa bàn tỉnh11 triển khai việc phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại nguồn theo phương châm: Tiết giảm → Tái sử dụng → Tái chế.

[...]