Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2021 về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 04/08/2021
Ngày có hiệu lực 04/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 04 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÂN LOẠI, THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022);

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 670/QĐ-UBND-HC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành quy trình vận hành ô chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tập trung sự lãnh đạo, nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành; xác định công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp, góp phần bảo vệ môi trường.

- Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc: chất thải phát sinh phải được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp với điều kiện địa lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra.

- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới phân loại và tăng cường trang, thiết bị cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo mô hình 3T (Tiết giảm - Tái chế - Tái sử dụng), đảm bảo vệ sinh môi trường và mục tiêu phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình ở khu vực nông thôn thành phân compost sử dụng tại chỗ.

2. Yêu cầu

- Xây dựng các nội dung cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các sở, ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch; huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các tổ chức Chính trị - Xã hội, các tổ chức Xã hội - Nghề nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch này, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hình thành lối sống thân thiện với môi trường; tạo ý thức trong việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, hạn chế lượng chất thải rắn phải chôn lấp nhằm giảm các tác động tiêu cực do chất thải gây ra, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt: ít nhất 30% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được phân loại tại hộ gia đình; khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

- Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 02 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.

- Đến năm 2025, có ít nhất 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, cụ thể:

+ Chất thải rắn sinh hoạt đô thị: năm 2021 đạt 82%, năm 2022 đạt 84%, năm 2023 đạt 86%, năm 2024 đạt 88% và năm 2025 đạt 90%.

[...]