Kế hoạch 3358/KH-UBND năm 2023 thực hiện bảo hiểm tài liệu lưu trữ tỉnh Bình Thuận theo Quyết định 71/QĐ-TTg

Số hiệu 3358/KH-UBND
Ngày ban hành 07/09/2023
Ngày có hiệu lực 07/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3358/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BẢO HIỂM TÀI LIỆU LƯU TRỮ TỈNH BÌNH THUẬN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 71/QĐ-TTG NGÀY 10/02/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia giai đoạn II và Công văn số 446/VTLTNN-QLI ngày 11/5/2023 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2162/TTr-SNV ngày 25/8/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện bảo hiểm tài liệu lưu trữ tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI

1. Mục đích

a) Lập bản sao bảo hiểm đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu có giá trị cao bị hư hỏng nặng trên các vật mang tin đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử tỉnh nhằm bảo đảm sự toàn vẹn, khai thác thuận lợi tài liệu lưu trữ dự phòng trong trường hợp xảy ra rủi ro, thảm họa bị mất bản gốc, bản chính. Đồng thời, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa tỉnh Bình Thuận.

b) Xây dựng hệ thống quản lý tài liệu về lịch sử phát triển của mỗi địa phương, của tỉnh làm cơ sở tích hợp với cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông lưu trữ nhà nước phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước.

2. Yêu cầu

a) Tài liệu được lập bản sao bảo hiểm phải là tài liệu lưu trữ quý, hiếm hoặc tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn bị hư hỏng nặng và đã được tổ chức khoa học.

b) Các nội dung đề ra phải phù hợp với tình hình thực tiễn về tài liệu lưu trữ hiện có tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, bám sát nhiệm vụ của kế hoạch; xác định cụ thể nội dung công việc, yêu cầu về chất lượng, thời gian tiến hành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện; bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện có.

3. Phạm vi

Lập bản sao bảo hiểm đối với tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ.

II. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

a) Thời gian lựa chọn, thống kê tài liệu lưu trữ để số hóa phục vụ lập bản sao bảo hiểm: Thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026.

b) Thời gian số hóa tài liệu để phục vụ lập bản sao bảo hiểm: Thực hiện từ năm 2027 đến năm 2033.

c) Thời gian bàn giao cơ sở dữ liệu định dạng số cho Bộ Nội vụ: Thực hiện từ năm 2031 đến năm 2034.

2. Kinh phí thực hiện

Từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép trong các chương trình, dự án, đề án khác có liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ lập dự toán

Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh; chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành của Nhà nước và thực tế hao phí lao động, giá cả thị trường của các nội dung công việc; các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán chi tiết kinh phí thực hiện hằng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

III. CÁC NHIỆM VỤ

1. Thực hiện rà soát, thống kê, lựa chọn, lập danh mục tài liệu lưu trữ quý, hiếm và tài liệu có giá trị cao bị hư hỏng nặng thuộc các phông lưu trữ đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử, tại các cơ quan tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh để thực hiện số hóa và lập bản sao bảo hiểm tài liệu theo lộ trình cụ thể (lựa chọn cả hồ sơ, không lựa chọn văn bản, tài liệu đơn lẻ).

2. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ lập bản sao bảo hiểm tài liệu; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ.

3. Đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ công tác lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ. Lựa chọn công nghệ lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ đáp ứng các yêu cầu, mục đích của bảo hiểm tài liệu lưu trữ, phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Xây dựng quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật số hóa các loại hình tài liệu, lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

5. Xây dựng quy chế quản lý, bảo quản bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

6. Phối hợp với Bộ Nội vụ (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) để thống nhất trước khi thực hiện bàn giao cơ sở dữ liệu tài liệu theo phông/công trình/sưu tầm lưu trữ kèm theo danh mục thống kê tên phông/công trình/sưu tập lưu trữ và số lượng tài liệu đã được số hóa.

[...]