Kế hoạch 3311/KH-UBND năm 2018 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Số hiệu 3311/KH-UBND
Ngày ban hành 12/11/2018
Ngày có hiệu lực 12/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lò Văn Tiến
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3311/KH-UBND

Điện Biên, ngày 12 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”;

Căn cứ Kế hoạch số 6355/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020;

Tiếp theo các văn bản của UBND tỉnh: Kế hoạch số 2469/KH-UBND ngày 10/7/2014 thực hiện Kết luận số 50-KL/TU ngày 25/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể dưới các hình thức; Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 25/3/2015 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 1587/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 2982/KH-UBND ngày 16/10/2018 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, với các nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Đến tháng 6/2018 toàn tỉnh có 122 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 91 hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 31 hợp tác xã ngừng hoạt động. Tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã là 216.642 triệu đồng; doanh thu bình quân 01 hợp tác xã là 785 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân của hợp tác xã đạt 218,4 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân thành viên hợp tác xã 31 triệu đồng/người/năm. Tổng số thành viên là 10.271 người, trong đó số lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 868 người. Trình độ đại học, cao đẳng 06 cán bộ, trình độ trung cấp, sơ cấp 34 cán bộ, 456 cán bộ chưa qua đào tạo. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chiếm đa số hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực, tỷ lệ hợp tác xã chuyên ngành thấp.

Về triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành và tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm" giữa doanh nghiệp và người dân; nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh và xóa đói giảm nghèo.

Toàn tỉnh đã có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân được xác nhận; 02 dự án cánh đồng lớn được thực hiện thành công; sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đã đăng ký quét mã truy suất nguồn gốc (mã QR) giúp kiểm soát được sản phẩm chính hãng do hợp tác xã cung cấp, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Điện Biên.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc và các quy định của pháp luật nhằm nâng cao tỷ lệ hợp tác xã khá, tốt, gắn với nâng cao thu nhập của hợp tác xã và thành viên; góp phần thực hiện thành công Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 128 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (Có Phụ lục 01 kèm theo).

- Phấn đấu có trên 5 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ tự động hóa, bán tự động, công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

- Khuyến khích thành lập mới các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.

2. Các nhiệm vụ trọng tâm

a) Đổi mới, phát triển nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã để đạt tiêu chí có hiệu quả; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; tích cực giải quyết khó khăn để giúp hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn vay tín dụng; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, trong điều hành sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã; thúc đẩy phát triển liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

b) Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp:

- Tập trung khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để giúp cán bộ, nông dân trên địa bàn tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng.

- Hỗ trợ xây dựng từ 4 đến 6 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt như áp dụng mô hình hệ thống tưới nước tiết kiệm; phát triển sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính. Hỗ trợ mở rộng quy mô cây trồng trong nhà lưới, công nghệ tưới nước phun mưa cho Hợp tác xã Mường Toong, huyện Mường Nhé; hỗ trợ mở rộng quy mô cây trồng trên giá thể công nghệ tưới tiết kiệm nước cho Hợp tác xã Hậu Mai, huyện Điện Biên; hỗ trợ công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo Vietgap cơ bản, công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp cho Hợp tác xã xã rau an toàn Pom Lót, Hợp tác xã Thanh Đông; Hợp tác xã trồng rau an toàn xã Noong Luống; hỗ trợ mới cây trồng trong nhà lưới, nhà màng cho Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé,...

c) Rà soát, xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác đối với các hợp tác xã yếu kém và đã ngừng hoạt động(1): Các huyện, thành phố căn cứ Điều 54, Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ; Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ; Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản để lập phương án giải quyết những khó khăn, chỉ đạo sớm giải thể hoặc chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động dứt điểm trong năm 2018 (Có Phụ lục 2 kèm theo).

d) Tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả. Lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành; tổ chức lại sản xuất theo từng lĩnh vực cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Lĩnh vực trồng trọt:

+ Khuyến khích phát triển, thành lập mới hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của các huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo;

+ Khuyến khích phát triển, thành lập mới các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cà phê của huyện Mường Ảng;

+ Khuyến khích phát triển, thành lập mới các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè của các huyện Tủa Chùa, Nậm Pồ;

[...]