Kế hoạch 331-KH/TU năm 2019 thực hiện Kết luận 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 331-KH/TU |
Ngày ban hành | 04/12/2019 |
Ngày có hiệu lực | 04/12/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Trần Lưu Quang |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
THÀNH
ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 331-KH/TU |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 12 năm 2019 |
Căn cứ Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 18 và Kết luận 45); Kế hoạch số 138-KH/ĐUCA ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về thực hiện Kết luận 45 của Ban Bí thư; Thông tri số 18-TT/TU ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thông tri 18).
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 45 và Chỉ thị 18 của Ban Bí thư như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Kết luận 45 và các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 18, Thông tri 18; quyết liệt thực hiện đạt được mục tiêu, yêu cầu giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, lập lại trật tự, an toàn giao thông. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; nâng cao khả năng kết nối đồng bộ của các loại hình vận tải; tăng cường kiểm soát công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện; đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý và điều hành giao thông của thành phố.
2. Yêu cầu
- Người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ trong việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận 45, Chỉ thị 18, Thông tri 18; quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đi đối với cưỡng chế bắt buộc việc chấp hành, đảm bảo và thực thi nghiêm túc pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia giao thông, nhận thức về hậu quả, thiệt hại do tai nạn, ùn tắc giao thông gây ra cho cá nhân và xã hội.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện. Phấn đấu đạt được mục tiêu khắc phục ùn tắc giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
3. Chỉ tiêu
Phấn đấu kiềm chế, kéo giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa so với năm liền kề trước đó, đồng thời kéo giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
1. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Kết luận 45, gắn với thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thành ủy về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ chính như sau:
(1) Rà soát, chủ động tham mưu, phối hợp bộ, ngành Trung ương đề xuất, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Trọng tâm là:
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quản lý hoạt động vận tải; các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải trên địa bàn thành phố theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Điều chỉnh quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè, tăng cường bảo đảm trật tự giao thông đô thị, quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; sắp xếp hợp lý các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để ưu tiên làm điểm trong giữ xe, hoặc kinh doanh, buôn bán... đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và hạn chế làm ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân nghèo sống phụ thuộc kinh doanh, buôn bán nhỏ; rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe.
- Xây dựng và triển khai thí điểm cơ chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải qua hình ảnh từ hệ thống camera giao thông trong khi chờ hoàn thiện các quy định pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sơ kết báo cáo các bộ, ngành để hoàn chỉnh quy chế, quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
- Kiến nghị Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo cho phép Ủy ban nhân dân thành phố áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố; triển khai ngay khi được chấp thuận, nhất là đối với các dự án giao thông cấp bách, trọng điểm.
(2) Quá trình rà soát tổng thể, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của thành phố, cần đảm bảo sự thống nhất, tính kết nối giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông (động và tĩnh), gắn kết với phát triển vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch giao thông tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng quy hoạch phát triển không gian ngầm và quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị chung của thành phố.
(3) Tập trung nguồn lực xây dựng vũ phát triển để hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội (bao gồm hạ tầng giao thông) tương đối đồng bộ, hiện đại, hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm; nâng cao năng lực vận tải, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động số 14-CTrHĐ/TU ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu triển khai cơ chế, chính sách để ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm khép kín Vành đai 2, các dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và cửa ngõ thành phố, phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi. Gắn quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ với phát triển hệ thống giao thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Tây Nguyên trong kết nối mạng lưới giao thông đồng bộ: đường Vành đai 3, 4, các tuyến quốc lộ đường cao tốc kết nối dọc và ngang...
(4) Hiện đại hóa công tác quản lý cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông, vận tải, công tác tổ chức giao thông, công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm; Việc cung cấp dữ liệu quản lý, giám sát, đo đếm hàng ngày, mô phỏng trên các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố giúp điều tiết giao thông, tập trung xử lý ngay những sự cố, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, điểm đến tai nạn giao thông, vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác; đồng thời làm cơ sở để dự báo giao thông trong tương lai, phục vụ công tác quyết định đầu tư ngắn hạn các công trình giao thông và công tác quy hoạch dài hạn phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố. Tăng cường năng lực khai thác của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Nâng cao năng lực phản ứng với sự cố giao thông, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (mưa lớn, ngập lụt triều cường và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác) của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu các phương án tổ chức giao thông ứng phó tình trạng ứng ngập cục bộ.
(5) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là kế hoạch chuyên đề về chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông (tập trung vào các hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác). Xây dựng phương án huy động các lực lượng liên quan phối hợp xôi với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức điều hòa giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Điều tra, xử lý nghiêm tình trạng đua xe trái phép, rải đinh, vật kim loại nhọn trên đường gây mất an toàn giao thông, các đối tượng gây tai nạn giao thông, chủ phương tiện thiếu trách nhiệm trong quản lý để người điều khiển phương tiện gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên. Quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông; đổi mới, quản lý tốt công tác đăng ký phương tiện giao thông theo hướng gắn chặt chẽ trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện giao thông với trách nhiệm quản lý, sử dụng phương tiện.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép, sai phép; hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng; hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác và nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông đường thủy.
Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè; quản lý có nề nếp hành lang an toàn giao thông, vỉa hè, đường phố.