Kế hoạch 3247/KH-UBND năm 2011 về hành động phòng, chống HIV/AIDS của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2011 - 2015

Số hiệu 3247/KH-UBND
Ngày ban hành 04/07/2011
Ngày có hiệu lực 04/07/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3247/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 07 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

5 năm qua (2006 - 2010), thành phố đã tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đạt được mục tiêu và hiệu quả thiết thực; góp phần đẩy lùi đại dịch trên quy mô cả nước; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Thực hiện Chiến lược Quốc Gia phòng chống AIDS, thành phố đã triển khai tất cả 9 chương trình hành động trên quy mô toàn thành phố, cụ thể : Chương trình Can thiệp giảm tác hại, Chương trình hỗ trợ cai nghiện ma túy, điều trị thay thế bằng Methadone, Chương trình hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng... đã làm giảm nhanh số người nhiễm HIV mới hàng năm, góp phần kiềm chế tỷ lệ tái sử dụng ma túy của những người tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, thành phố là địa phương duy nhất trong cả nước triển khai được chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên quy mô toàn thành phố. Hàng năm, tham vấn và xét nghiệm cho hơn 100.000 thai phụ, phát hiện khoảng từ 500 đến 600 thai phụ nhiễm HIV để điều trị dự phòng cho mẹ và con, đã cứu giúp cho gần 200 trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Chương trình chăm sóc chữa trị miễn phí bằng thuốc đặc trị kháng HIV cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS cũng được triển khai sớm nhất so với cả nước. Hiện nay có hơn 16.000 bệnh nhân đang nhận điều trị ARV, chiếm khoảng 50% số lượng của cả nước.

Qua kết quả ghi nhận từ hệ thống thống kê các hoạt động phòng chống AIDS, cũng như kết quả của các cuộc nghiên cứu đánh giá của các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kết hợp với các tổ chức quốc tế cho thấy: thành phố đã đạt được thành quả quan trọng trong phòng chống dịch HIV/AIDS, đã giảm nhanh số người nhiễm HIV mới hàng năm (5 năm qua ước tính đã ngăn ngừa được 16.187 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành và 1.792 trường hợp nhiễm HIV mới ở trẻ em) và số người tử vong do AIDS cũng giảm nhanh (ước tính đã giảm tử vong cho khoảng 10.000 trường hợp).

Tuy nhiên, dự báo trong những năm tới, thành phố vẫn phải đối mặt và giải quyết những khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng chống căn bệnh của thế kỷ, do:

- Dịch HIV vẫn đang ở mức cao trong các nhóm đối tượng (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) và có xu hướng tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tệ nạn sử dụng ma túy vẫn còn phức tạp, tệ nạn mại dâm có xu hướng phát triển. Sự phức tạp của hành vi sử dụng ma túy với quan hệ tình dục không an toàn và các hành vi nam có quan hệ tình dục đồng giới là một thách thức cho chương trình, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức 4.000 - 5.000 trường hợp nhiễm mới mỗi năm.

- Cơ sở vật chất dành cho việc chăm sóc, điều trị cho những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS ở một số quận, huyện vẫn còn quá nhỏ, không đủ để triển khai tất cả các hoạt động phòng, chống AIDS. Điều này dẫn đến quá tải tại một số trung tâm.

- Đội ngũ cán bộ phòng chống AIDS tuy đã tăng nhanh trong 5 năm qua, nhưng vẫn còn thiếu và luôn thay đổi. Phần lớn cán bộ được tuyển dụng, hưởng lương từ các dự án, khó bảo đảm tính bền vững khi các dự án viện trợ kết thúc.

- Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho phòng chống AIDS tuy có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu hiện tại và trong tương lai (những năm qua, kinh phí thành phố đầu tư cho phòng chống AIDS tăng hàng năm từ 10 - 20% nhưng cũng chỉ đạt mức 10% so với tổng kinh phí đã được sử dụng của năm 2009).

Phần II

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Theo kết quả phân tích, nếu giữ nguyên các hoạt động can thiệp như hiện nay thì ước tính trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ có thêm 33.132 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành (³ 15 tuổi), như vậy mỗi năm sẽ tăng từ 6.152 đến 7.102 trường hợp nhiễm HIV mới. Để đáp ứng với các diễn biến của dịch HIV/AIDS; đồng thời giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS trong những năm tới, nhất là khi nguồn lực tài trợ của quốc tế giảm, thành phố Hồ Chí Minh đề ra Kế hoạch hành động như sau:

I- ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TẠI THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015: “CHẤT LƯỢNG VÀ BỀN VỮNG”

1. Chất lượng: Để tiếp nối định hướng “mở rộng” của giai đoạn 2006 – 2010, trong 5 năm 2011-2015 thành phố sẽ thực hiện Chiến lược “Chất lượng và Bền vững”. Để nâng cao chất lượng của hoạt động phòng chống HIV/AIDS, thành phố tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; tăng cường năng lực và sự tham gia của các nhóm dựa vào cộng đồng; nâng cấp trang thiết bị, chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật và quản lý... để nâng cao chất lượng của từng chương trình, từng mô hình, từng đơn vị.

2) Bền vững: đây là giai đoạn tập trung xây dựng và thực hiện lộ trình tăng dần nguồn đầu tư của Việt Nam để có thể đảm bảo sự bền vững của công tác phòng chống AIDS khi nguồn viện trợ quốc tế giảm. Nguồn đầu tư của Việt Nam bao gồm: ngân sách nhà nước, sự tham gia của bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, sự đóng góp của các nhóm xã hội, các nhóm dựa vào cộng đồng, đối tượng can thiệp và của người dân trong toàn xã hội.

II- MỤC TIÊU

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 1% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2015.

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư dưới 0,08% vào năm 2015.

- Góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế của xã hội.

III- CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV:

a) 80% người dân hiểu đúng về các cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

b) 70% nhóm di biến động có kỹ năng và thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

c) 100% cơ quan Báo, Đài của thành phố có chuyên mục cố định về HIV/AIDS.

d) 100% các Sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai hoạt động thường xuyên.

[...]