ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3202/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 08
tháng 05 năm 2012
|
KẾ HOẠCH
XÂY
DỰNG NGÔI NHÀ AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
Căn cứ Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5
năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi
nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh lập
kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
trên trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2012 – 2015 như sau:
I. Đặc điểm tình hình
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Đồng Nai năm 2008
có 16.623 em bị tai nạn, thương tích; năm 2009 có 11.152 em, năm 2010 là 9.648
em và 9 tháng năm 2011 là 7.631 em (Phụ lục 1). Trong đó bao gồm nhiều loại tai
nạn, thương tích như: Đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, súc vật cắn, đốt, húc…,
bỏng, ngộ độc thực phẩm, hóa chất… Nhưng loại tai nạn, thương tích trẻ em thường
gặp nhất đó là đuối nước và tai nạn giao thông. Trong số nhiều nguy cơ dẫn đến
tai nạn, thương tích trẻ em thì nguy cơ tai nạn, thương tích trẻ em xảy ra
trong gia đình chiếm trên 50%. Nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ngay tại
gia đình luôn rình rập các em như: Ngã cầu thang, bỏng nước sôi, điện giật, bị
vật sắc nhọn cắt đâm, bị ngạt thở do nuốt phải đồ chơi, dị vật… đang là mối đe
dọa và gây lo lắng cho các bậc làm cha mẹ và người chăm sóc trẻ.
Nguyên nhân:
Khách quan: Do điều kiện kinh tế - xã hội của một số
huyện chưa phát triển; công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em còn hạn chế; môi trường sống của trẻ em ở gia đình, nhà trường
cũng như xã hội chưa được an toàn; thiếu các khu vui chơi, giải trí an toàn
lành mạnh cho trẻ em.
Chủ quan: Kiến thức về bảo vệ an toàn cho trẻ em của
người dân còn thấp; ý thức chấp hành luật pháp và các quy định về an toàn của một
số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Mặt khác do chưa lường hết được sự nguy hiểm
có thể xảy ra nên phụ huynh chưa ý thức phòng ngừa tai nạn, thương tích có thể
xảy ra ngay trong chính ngôi nhà mà trẻ em đang sống, dẫn đến nhiều em bị tai nạn,
thương tích phải mang thương tật suốt đời. Chính vì vậy việc xây dựng Ngôi nhà
an toàn được xem là một trong những biện pháp làm giảm tai nạn, thương tích ở
trẻ em.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
- Từng bước ngăn chặn hạn chế đến mức thấp nhất tai
nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn, thương tích xảy ra trong gia
đình góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em và sự phát triển bền vững của
cộng đồng xã hội.
- Cung cấp các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em cho các bậc cha mẹ, nhà trường và cộng đồng xã hội,
nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật ở trẻ em do tai nạn, thương tích gây ra, góp
phần thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước quốc tế về
Quyền trẻ em một cách thiết thực nhất.
- Nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy
Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, các bậc cha mẹ và cộng
đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Tập huất, bồi dưỡng cho 100% cán bộ nhân viên làm
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh.
- Xây dựng, nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- Ngăn chặn, hạn chế, giảm tình trạng trẻ em bị tai
nạn, thương tích, trong đó giảm thấp nhất tình trạng trẻ em bị chết do đuối nước,
bị tai nạn, thương tích nói chung và trong gia đình nói riêng.
- Xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm mô hình
Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại 22 xã điểm của 11
huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.
- 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
các cấp của tỉnh, được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xây dựng Ngôi nhà an
toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
- 100% các huyện triển khai các hoạt động xây dựng
và giám sát các quy định về Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích
trẻ em.
- Phấn đấu 90% các gia đình trong toàn tỉnh được
truyền thông giáo dục phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và có 80% xã phường
đạt tiêu chuẩn Ngôi nhà an toàn cho trẻ em, tiến tới xây dựng cộng đồng an toàn
cho trẻ em.
- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu thập thông tin về
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đi vào hoạt động, duy trì thường
xuyên, làm cơ sở để theo dõi, có biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em có kết quả.
III. Phạm vi áp dụng và cách xác
định một Ngôi nhà an toàn
1. Phạm vi áp dụng
Kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai
nạn, thương tích trẻ em được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh trong
đó tập trung xây dựng tiêu chí Ngôi nhà an toàn cho các gia đình có trẻ em từ 0
đến 16 tuổi.
2. Cách xác định một Ngôi nhà an toàn
Ngôi nhà an toàn phải đảm bảo trong năm không có trẻ
em bị tai nạn, thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 các tiêu chí quy định tại
Điều 1 của Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc phải đạt bao gồm:
tiêu chí d, e, h, của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn xung quanh nhà; tiêu chí a,
g của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn các phòng trong ngôi nhà; tiêu chí a, b, c,
d của nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn về điện; tiêu chí a, b của nhóm tiêu chí Đảm
bảo an toàn cầu thang và lan can; tiêu chí a, d, e của nhóm tiêu chí Đảm bảo an
toàn các đồ dùng trong gia đình; tiêu chí a của nhóm tiêu chí Một số quy định
an toàn khác.
IV. Nội dung hoạt động
1. Tuyên truyền nâng cao kiến
thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về xây dựng Ngôi
nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động
cộng đồng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tuyên truyền phổ biến các
tiêu chí để xây dựng Ngôi nhà an toàn nhằm làm thay đổi nhận thức, tạo kỹ năng
cho gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông về xây dựng
Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên Báo, Đài phát
thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã Long Khánh và thành
phố Biên Hòa.
- Thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tại
các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em, đặc
biệt là đuối nước và những nguy cơ làm tai nạn, thương tích tại nhà mà các gia
đình hay gặp phải thông qua những hình thức phù hợp như phát tờ rơi, pano, áp
phích, tổ chức hội thi, tạo các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em…
- Xây dựng, nhân bản các tài liệu truyền thông về
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
2. Xây dựng Ngôi nhà an toàn
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
- Tổ chức hội thảo, tập huấn, triển khai cho các cấp,
các ngành về các tiêu chí của Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em.
- Xây dựng tiêu chuẩn, quy định về Ngôi nhà an toàn
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày
06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phụ lục 2).
- Tổ chức khảo sát, hướng dẫn gia đình, áp dụng và
thực hiện các quy định Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em; các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước cho
trẻ em có hiệu quả.
- Tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối
nước cho trẻ em ở vùng sông nước, vùng có nhiều trẻ em bị đuối nước.
- Hỗ trợ áo phao cho trẻ em nghèo các vùng sông nước
phải đi lại bằng thuyền, đò.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định
của Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
- Phát động gia đình có trẻ em đăng ký xây dựng
Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tuyên truyền, tư vấn,
các cấp chính quyền, cộng đồng, gia đình nhận biết được mối hiểm họa xung quanh
nhà và trong nhà có thể gây ra tai nạn, thương tích trẻ em.
- Xây dựng thực hiện thí điểm, nhân rộng mô hình
Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại một số huyện, thị
xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.
- Những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích
trẻ em, những nơi nguy hiểm cần được trang bị, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển
báo, cảnh báo cho các em dễ thấy, dễ hiểu và dễ thực hiện.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp
- Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm
sóc trẻ em.
- Cung cấp thông tin, kiến thức, nâng cao năng lực
chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, cộng tác
viên tại cơ sở, người làm công tác quản lý, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở,
trung tâm có nuôi dưỡng trẻ em bằng nhiều hình thức, nhằm bồi dưỡng kiến thức
xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
4. Xử lý thông tin, kiểm tra,
đánh giá tình hình xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích
trẻ em
- Xây dựng các chỉ số theo dõi, kiểm tra, đánh giá
tình hình trẻ em bị tai nạn, thương tích.
- Triển khai công tác theo dõi, giám sát tình hình
thực hiện kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích
trẻ em các cấp; cấp tỉnh giám sát các huyện, thành phố, thị xã 06 tháng/lần;
các huyện, thành phố, thị xã giám sát các xã, phường, thị trấn 01 quý/lần; Ban
chỉ đạo của xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển
khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa
phương.
V. Giải pháp thực hiện
1. Các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan, các địa
phương xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng Ngôi
nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em hàng năm và giai đoạn đến
năm 2015.
2. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và
chăm sóc trẻ em các cấp, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở, tổ chức tập
huấn cho đội ngũ này để quản lý, theo dõi trẻ em bị tai nạn, thương tích tại địa
phương.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp
trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em.
4. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã
hội về ngăn ngừa, bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn,
thương tích.
5. Tổ chức tập huấn, hội thảo, hội thi cứu đuối, cứu
nạn, diễn đàn, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, chính sách, kỹ năng về phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em.
6. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch
và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
VI. Kinh phí thực hiện
1. Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch xây dựng Ngôi
nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2012 – 2015 cấp
tỉnh là 1.103.200.000 đồng (Một tỉ một trăm lẻ ba triệu hai trăm ngàn đồng).
2. Nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu được chi từ nguồn
dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, kinh phí của Trung ương cấp (nếu có); đồng
thời huy động thêm các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh
theo kế hoạch để thực hiện theo quy định của pháp luật (Phụ lục 3 và 4).
VII. Tổ chức thực hiện
1. Phân công nhiệm vụ
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu
mối chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế; Kế hoạch và Đầu tư;
Tài chính; Giáo dục – Đào tạo; Văn hóa – Thể thao và Du lịch; các ban, ngành có
liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em. Điều phối, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch;
Tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn nghiệp vụ cho các ngành, đơn vị liên quan,
cán bộ cơ sở về các nội dung liên quan; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên
truyền, khảo sát, vận động thực hiện kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em.
b) Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội triển khai các nội dung về chăm sóc điều trị cho trẻ em bị
tai nạn, thương tích, tập huấn hướng dẫn kỹ năng và các biện pháp sơ cấp cứu
thông thường đối với từng loại hình tai nạn, thương tích; xác định các nguy cơ
gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng để có biện pháp
phòng, chống có kết quả; thống kê đánh giá thực trạng tình hình tai nạn, thương
tích trẻ em tại địa phương và báo về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
hàng quý, năm.
c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lồng ghép các hoạt động phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em với các hoạt động của các chương trình phát
triển kinh tế - xã hội, các chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch;
hướng dẫn, kiểm tra các sở, ngành có liên quan và các địa phương lập dự toán và
sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội đưa kiến thức phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em, vào trong các tiết dạy, trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt
nhà trường phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến
các nội dung về kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên. Đặc biệt
là các Trường Mầm non, các cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ thuộc ngành phụ trách.
e) Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp dạy bơi và cứu đuối cho trẻ em.
f) Sở Thông tin – Truyền thông và các cơ quan Báo,
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng các
hình thức, nội dung phù hợp, sinh động để nâng cao nhận thức và sự tham gia của
các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt quan tâm thực hiện xây dựng Ngôi nhà an
toàn.
g) Công an tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ điều
tra, khởi tố những trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để gây hậu quả
làm tai nạn, thương tích ở trẻ em.
h) UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố
Biên Hòa phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai, tổ chức thực hiện Kế
hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tạo
điều kiện thuận lợi, bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện tốt việc xây dựng Ngôi
nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chỉ đạo UBND xã, phường,
thị trấn tổ chức thực hiện và hàng năm xét công nhận ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi
nhà an toàn. Kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt công
tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
i) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và
các đoàn thể phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động của Kế hoạch.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình triển khai, tổ chức
thực hiện Kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích
trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 – 2015. Hàng năm các sở, ban,
ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Ngôi nhà an toàn
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và triển khai thực hiện, báo cáo kết
quả hoạt động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo về
UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết và đề xuất
khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện tốt kế hoạch xây dựng
Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai giai đoạn 2012 – 2015./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Trí
|