Kế hoạch 32/KH-UBND về công tác pháp chế năm 2022 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu | 32/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/01/2022 |
Ngày có hiệu lực | 10/01/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký | Hồ An Phong |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 10 tháng 01 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHÁP CHẾ NĂM 2022
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác pháp chế năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương đối với công tác pháp chế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý; góp phần thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Yêu cầu
- Triển khai thực hiện công tác pháp chế năm 2022 phải bám sát Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành chủ quản và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của UBND tỉnh.
- Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan để chủ động thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Công tác kiện toàn tổ chức
Đối với các cơ quan, đơn vị đã bố trí người phụ trách công tác pháp chế (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) thì tiếp tục duy trì, hoạt động ổn định. Đối với các cơ quan, đơn vị chưa có tổ chức pháp chế hoặc chưa bố trí người phụ trách công tác pháp chế thì chủ động sắp xếp, bố trí người có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp làm công tác pháp chế (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) trên cơ sở biên chế được giao.
2. Các nội dung, nhiệm vụ trong công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
2.1. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Về công tác xây dựng pháp luật
- Thường xuyên rà soát các văn bản QPPL cấp trên và căn cứ tình hình thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở địa phương trong từng lĩnh vực để đề xuất và tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản QPPL trong lĩnh vực được giao quản lý.
Thực hiện việc lập đề nghị và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, thủ tục trong xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2022.
- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu trình Thường trực HĐND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh lập danh mục văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Thời gian thực hiện: Sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
- Tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương gửi lấy ý kiến.
Thời gian thực hiện: Theo yêu cầu của các cơ quan gửi lấy ý kiến tại mỗi văn bản.
- Triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL năm 2022 liên quan đến nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xử lý kết quả rà soát theo quy định.
Thời gian thực hiện: Theo kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL năm 2022 và đột xuất theo yêu cầu của bộ, ngành chủ quản.
b) Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Tổ chức phổ biến, quán triệt thường xuyên, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và từng đối tượng.