Kế hoạch 315/KH-UBND năm 2023 phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2024

Số hiệu 315/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 22/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Văn Diện
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2024

Căn cứ Luật Thú y năm 2015; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013; Luật Thủy sản năm 2017; các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các luật nêu trên; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh trong Nông nghiệp; các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong Nông nghiệp. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5790/TTr-SNNPTNT ngày 04/12/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành về công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản (sau đây gọi chung là công tác phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp) đặc biệt là các bệnh có khả năng lây lan, bùng phát trên diện rộng, các bệnh có nguy cơ truyền lây sang người;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất về công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm bảo vệ sản xuất nông nghiệp; bảo đảm khống chế không để bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, thủy sản;

Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm phòng bệnh là chính, phòng bệnh là biện pháp rẻ nhất kết hợp đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm ngay khi mới phát sinh; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới nhằm đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh của cơ sở đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững, môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tuân thủ theo định hướng, quy hoạch; không lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý sản xuất và giám sát dịch bệnh trong nông nghiệp đến tận thôn, xóm, từng hộ dân, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao;

Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương; huy động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp;

Nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan từ khâu sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ;

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp và công tác phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm;

Chuẩn bị phương tiện, nguồn lực, vật tư, hóa chất phòng chống dịch, chủ động các phương án chỉ đạo khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch nhằm bảo vệ sản xuất, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

1.1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân hiểu về tác hại của các đối tượng sinh vật hại trên cây trồng, đặc biệt là tác hại của chuột và bệnh virut gây hại trên lúa (bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá, lúa cỏ...), các loài sâu mới xuất hiện có khả năng gây hại cao từ đó áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại tránh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản;

- Hình thức thực hiện: (1). Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (Trung tâm Truyền thông tỉnh, Trung tâm thông tin và văn hóa các địa phương, loa phát thanh của địa phương...); (2). Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng cho nông dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là phòng chống các đối tượng dịch hại khó kiểm soát như: bệnh virut gây hại trên lúa (bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá...), chuột hại, các đối tượng sinh vật gây hại mới nổi (lúa cỏ, sâu keo mùa thu, sâu đục ngọn hại trên cây Lim, Lát...); (3). Xây dựng pano, áp phích, sổ tay, tờ rơi, quy trình biện pháp phòng trừ... để tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến cho người dân.

1.2. Công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo

- Chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác thời gian phát sinh, tham mưu và đề xuất các biện pháp phòng trừ khi có dịch xảy ra đảm bảo kịp thời và hiệu quả đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng (sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, sâu keo mùa thu, chuột, lúa cỏ...);

- Thường xuyên phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt kịp thời diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng để có các biện pháp phòng trừ kịp thời.

1.3. Công tác phòng chống dịch hại cây trồng

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng đảm bảo kịp thời và hiệu quả cần thực hiện theo nguyên tắc: Khẩn trương, tập trung nhân lực, vật lực để nhanh chóng khống chế, tiêu diệt dịch hại nhưng phải đảm bảo cho người và đảm bảo vệ sinh môi trường;

Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bao gồm: Sử dụng giống cây trồng chống chịu với sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích;

Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan; luôn coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, chủ động áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi mật độ sinh vật gây hại gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng;

Khi có dịch xảy ra, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình dịch hại và đề xuất ban hành Quyết định công bố dịch theo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013.

(1). Phòng, chống bệnh do virut lúa lùn sọc đen gây hại (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV)

[...]