Công văn 431/TY-TS năm 2019 hướng dẫn giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ do Cục Thú y ban hành

Số hiệu 431/TY-TS
Ngày ban hành 18/03/2019
Ngày có hiệu lực 18/03/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Thú y
Người ký Dương Tiến Thể
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 431/TY-TS
V/v hướng dẫn giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi:

- Chi cục Thú y vùng các vùng: I, II, III, IV, VI, VII;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ của nước ta có nhiều chuyển biến tích cực nên nhìn chung tình hình dịch bệnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh hằng năm vẫn ở mức cao (khoảng 38.000 ha). Một trong những nguyên nhân chủ quan là việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản hằng năm của các địa phương chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt là các nội dung về giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nên thường xuyên bị động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều thị trường lớn nhập khẩu tôm và sản phẩm tôm từ Việt Nam như Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê út,… đưa ra các rào cản kỹ thuật, trong đó có yêu cầu phía Việt Nam phải thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Căn cứ quy định tại các văn bản gồm Luật thú y năm 2015, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2018 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; căn cứ thực trạng công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trong nước và để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu tôm, sản phẩm tôm của Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng tới sản xuất bền vững, Cục Thú y ban hành hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ (chi tiết tại Phụ lục).

Cục Thú y đề nghị các đơn vị nghiên cứu và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn (Công văn được đăng tải trên trang web của Cục Thú y trong mục Hệ thống văn bản: http://www.cucthuy.gov.vn/VanBan/Pages/Default.aspx).

Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, kiến nghị đề nghị gửi phản hồi về Cục Thú y (Phòng Thú y thủy sản) theo địa chỉ: số 15/78, Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 0243.6290284; e-mail: tyts.cucthuy@gmail.com để được giải đáp, hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản (để p/h)
- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
- Sở NN&PTNT các tỉnh có nuôi tôm nước lợ (để p/h);
- Cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TS.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Dương Tiến Thể

 

PHỤ LỤC 1. HƯỚNG DẪN CHUNG

(Ban hành kèm theo Công văn số 431/TY-TS ngày 18/3/2019 của Cục Thú y)

I. Mục tiêu, phạm vi và nội dung áp dụng

1. Mục tiêu

Hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi tôm nước lợ và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thống nhất triển khai, áp dụng trong các hoạt động giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm đảm bảo đúng, đủ và hiệu quả.

2. Phạm vi áp dụng

- Hướng dẫn kỹ thuật được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, đặc biệt đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch và bệnh mới theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (sau đây gọi chung là Thông tư 04).

- Hướng dẫn kỹ thuật được áp dụng trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2018 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi chung là Thông tư 14).

- Hướng dẫn kỹ thuật được xem xét làm căn cứ để áp dụng đối với các bệnh trên động vật thủy sản khác trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp.

3. Nội dung hướng dẫn kỹ thuật

a) Giám sát dịch bệnh chủ động

- Giám sát tỷ lệ lưu hành bệnh: Được sử dụng để xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ tại các địa phương hoặc tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, nuôi tôm thương phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở) theo quy định tại Thông tư 04, chi tiết tại Mục I Phụ lục 2.

- Giám sát phát hiện bệnh: Được sử dụng để xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh khi có nhu cầu xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư 14, chi tiết tại Mục II Phụ lục 2.

b) Giám sát dịch bệnh bị động: Được sử dụng để xây dựng, hướng dẫn, triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh bị động tại địa phương và cơ sở khi dịch bệnh xảy ra theo quy định tại Thông tư 04, chi tiết tại Phụ lục 3.

c) Điều tra ổ dịch (Phụ lục 4); Xử lý ổ dịch (Phụ lục 5): Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương tham khảo, sử dụng để hướng dẫn, triển khai khi dịch bệnh xảy ra.

d) Quản lý thông tin về giám sát, điều tra và xử lý dịch bệnh (Phụ lục 6): Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương sử dụng làm căn cứ để lưu giữ hồ sơ, thông tin, dữ liệu.

e) Các biểu mẫu và hướng dẫn kỹ thuật khác: Phụ lục 7.

II. MỘT SỐ THUẬT NGỮ

1. Giám sát dịch bệnh

[...]