Kế hoạch 315/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 98/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 315/KH-UBND
Ngày ban hành 10/10/2017
Ngày có hiệu lực 10/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tiến Nhường
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 98/NQ-CP NGÀY 03/10/2017 CỦA CHÍNH PHỦ; CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 34-CTR/TU NGÀY 25/7/2017 CỦA TỈNH ỦY BẮC NINH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 03/6/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Công văn số 10361/VPCP-TH ngày 29/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII; Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động.

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh để thực hiện.

2. Yêu cầu

Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện. Quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung thực hiện Chương trình hành động tới các cấp, các ngành và nhân dân.

3. Mục tiêu

Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo hướng văn minh, hiện đại.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân

Các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về các nội dung và tinh thần của Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

- Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với giảm bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.

- Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định của địa phương phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân; tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật.

- Xây dựng, hoàn thiện Quy định chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân.

- Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức. Không biến việc chấp thuận, xác nhận, chứng nhận đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật thành giấy phép con, gây cản trở hoạt động của kinh tế tư nhân.

- Hoàn thiện và bảo đảm cơ chế thực thi nghiêm minh, có hiệu quả pháp luật về hợp đồng. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, trọng tâm là các hoạt động thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án nhân dân các cấp, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

- Phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thị trường tư liệu sản xuất, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới phân phối phù hợp với quy mô dân số và đặc điểm địa phương. Có biện pháp hiệu quả ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông sản. Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, bóp méo giá cả, quan hệ cung - cầu hàng hoá, dịch vụ.

- Xoá bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

- Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân... Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.

[...]