Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2014 thực hiện Dự án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 31/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2014
Ngày có hiệu lực 11/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG CÓ TỆ NẠN MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 1203/QĐ-TTg, ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý, giai đoạn 2012 - 2015”;

Căn cứ Quyết định số 4060/QĐ-BCA-C41 ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý”;

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, giữ gìn trật tự xã hội.

- Tiến hành đồng bộ các giải pháp để kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm ma tuý và người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh; giữ vững số xã, phường, thị trấn trong sạch không tệ nạn ma tuý; phấn đấu làm chuyển hoá địa bàn ở các xã, phường, thị trấn phức tạp về ma tuý; tăng thêm số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giữ vững, không để phát sinh tệ nạn ma tuý tại 28 xã không có người nghiện ma tuý hiện nay (thành phố Tuyên Quang: 1 xã; Yên Sơn: 7 xã; Sơn Dương: 5 xã; Hàm Yên: 5 xã; Chiêm Hoá: 4 xã; Na Hang: 2 xã; Lâm Bình: 4 xã).

- Phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt nhằm làm giảm mức độ phức tạp về tệ nạn ma tuý tại 113 xã, phường thị trấn hiện nay đang có tệ nạn ma tuý; ngăn chặn và từng bước xoá bỏ tệ nạn ma tuý ở những xã có ít phức tạp về tệ nạn ma tuý; phấn đấu đến năm 2015 giảm 10% số xã, phường thị trấn có tệ nạn ma tuý so với năm 2012.

- Kiên quyết không để xảy ra tình trạng tái trồng cây có chất ma tuý trên địa bàn của tỉnh.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hiệu lực quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 21/7/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát công tác phòng, chống ma tuý thông qua việc đề ra các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma tuý và có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các tổ xóm, thôn bản, các cụm dân cư, các cơ quan, đơn vị. Nắm vững và quản lý chặt chẽ số người nghiện ma tuý, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có khả năng bị lợi dụng để thực hiện hoạt động bất hợp pháp về ma tuý; thường xuyên rà soát, phát hiện người nghiện mới, người tái nghiện trên địa bàn, chỉ đạo lực lượng chức năng lập hồ sơ đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc áp dụng các biện pháp cai nghiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành, các đơn vị; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, trường học và quần chúng nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý và cùng thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình, tổ, xóm, thôn bản, cơ quan đơn vị, xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý.

- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma tuý ngay từ cơ sở.

2. Tổ chức phân loại tình trạng tệ nạn ma tuý tại xã, phường, thị trấn và tổ chức ký cam kết, thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý

- Việc phân loại dựa trên các tiêu chí xác định tình trạng tệ nạn ma tuý ở các xã, phường, thị trấn được nêu tại Quyết định số 3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành tiêu chí phân loại và mức kinh phí hỗ trợ cho xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma tuý.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã tiến hành thống kê, rà soát xác định tình trạng tệ nạn ma tuý trên địa bàn xã báo cáo lên Ban chỉ đạo cấp huyện.

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tập hợp báo cáo tình trạng tệ nạn ma tuý tại các xã trên địa bàn huyện báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

- Căn cứ báo cáo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Công an tỉnh thẩm tra, xác nhận tình trạng tệ nạn ma tuý tại các xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xác nhận phân loại.

- Tổ chức cho tất cả các xã, phường, thị trấn, các tổ, xóm, thôn bản, khu dân cư đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị, tổ, xóm, thôn bản, khu dân cư không có tệ nạn ma tuý; căn cứ tình hình cụ thể ở từng địa phương, mỗi huyện, thành phố chọn một, hoặc một số xã, phường, thị trấn để chỉ đạo điểm xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý.

3. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma tuý ở xã, phường, thị trấn

Tổ chức tập huấn cho lực lượng Công an xã, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, cán bộ y tế,... trực tiếp tham gia công tác phòng, chống ma tuý ở xã, phường, thị trấn kiến thức về pháp luật, kỹ năng phát hiện đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, thống kê người nghiện; vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý và tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma tuý; lập hồ sơ đưa người nghiện vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản lý, giáo dục giúp đỡ người cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai.

4. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục

[...]