Kế hoạch 298/KH-UBND năm 2023 thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 298/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2023
Ngày có hiệu lực 03/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 03 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật số 43/2014/QH-14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc ban hành Luật Giáo dục; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/1013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Thông tư số 17, 18, 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; trường mầm non; Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; nhằm xác định cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của cơ sở giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Yêu cầu

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) bảo đảm độc lập, khách quan, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đưa vào kế hoạch trung hạn, kế hoạch hằng năm và bổ sung, kết hợp với các chương trình, đề án, dự án đã có một cách kịp thời, đồng bộ, nhằm đạt mục tiêu đề ra của Kế hoạch.

Đảm bảo đầu tư của Nhà nước phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư và tham gia thực hiện Kế hoạch này; huy động nguồn lực đội ngũ công chức, viên chức ngành Giáo dục tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Kế hoạch.

Thường xuyên và định kỳ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo những khó khăn, đề xuất các giải pháp để Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Củng cố, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hệ thống trường đạt KĐCLGD theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến hết năm 2025, phấn đấu thực hiện công tác KĐCLGD để công nhận 322 trường mầm non, trường phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt KĐCLGD, nâng tổng số trường mầm non, trường phổ thông đạt KĐCLGD lên 456/563, đạt tỷ lệ 81% (trong đó: mầm non 133/183 trường, đạt 72,7%; tiểu học 181/181 trường, đạt 100%; THCS 125/167 trường, đạt 75%; THPT 27/32 trường, đạt 85%); 04/08 trung tâm GDNN-GDTX, đạt 50%; 01/01 trung tâm GDTX, đạt 100%.

Năm 2023 xây dựng 122 cơ sở giáo dục: 29 trường mầm non, 45 trường tiểu học, 35 trường THCS, 13 trường THPT;

Năm 2024 xây dựng 92 cơ sở giáo dục: 25 trường mầm non, 38 trường tiểu học, 21 trường THCS, 08 trường THPT;

Năm 2025 xây dựng 110 cơ sở giáo dục: 35 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 34 trường THCS, 06 trường THPT, 06 trung tâm GDNN - GDTX, 01 trung tâm GDTX.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với các cơ quan, đoàn thể trong công tác xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD. Các cấp ủy Đảng đưa mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD vào các chỉ thị, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm huy động cả hệ thống chính trị tập trung nguồn lực cho công tác KĐCLGD; quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, cơ sở giáo dục và toàn thể nhân dân.

Các cơ quan quản lý giáo dục tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD; đảm bảo cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu; chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD gắn với việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Quảng Bình, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Các cơ sở giáo dục rà soát, thành lập đầy đủ các tổ chức, đoàn thể, Hội đồng trường và các hội đồng khác theo quy định; xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục, kế hoạch hoạt động chi tiết theo năm học, học kỳ, tháng và tuần phải gắn với nhiệm vụ xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD; phấn đấu thực hiện từng bước theo các tiêu chuẩn làm cơ sở cho công tác phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trong giai đoạn tiếp theo.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền trong tổ chức triển khai thực hiện công tác KĐCLGD nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra. Tổng kết cuối giai đoạn, rút kinh nghiệm công tác KĐCLGD ở từng đơn vị, địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về công tác KĐCLGD của tỉnh, của các địa phương; giới thiệu các điểm sáng, các mô hình, cá nhân điển hình trong công tác xây dựng cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD.

2. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục

Đẩy mạnh công tác KĐCLGD trường học; chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch cải tiến chất lượng, kiểm tra và thanh tra chuyên môn.

[...]