Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 2952/KH-UBND năm 2013 tổ chức đợt hoạt động cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch 2014 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2952/KH-UBND
Ngày ban hành 17/12/2013
Ngày có hiệu lực 17/12/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2952/KH-UBND

Kon Tum, ngày 17 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐỢT HOẠT ĐỘNG CAO ĐIỂM ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẾT DƯƠNG LỊCH 2014 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ VÀ LỄ HỘI XUÂN 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Kế hoạch số 466/KH-UBATGTQG ngày 06/12/2013 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về Kế hoạch tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014 trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

- Đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện và an toàn cho hành khách, vận tải hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014.

- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân về trật tự an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông của người dân trong dịp Tết.

- Thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những tháng đầu năm 2014, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả chương trình công tác Năm an toàn giao thông 2014;

- Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014.

- Thời gian thực hiện: Từ ngày 20/12/2012 đến ngày 15/02/2014.

II. Các hoạt động chủ yếu:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, nhất là ý thức trách nhiệm tuân thủ quy tắc giao thông của đội ngũ lái xe vận tải hành khách.

- Xây dựng phương án huy động tối đa các loại phương tiện vận tải hành khách để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân (nhất là các tuyến từ Kon Tum đi các tỉnh phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác và ngược lại). Không để khách tồn đọng, ở lại qua đêm tại các bến xe. Bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông tại các khu vực có tổ chức lễ hội.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm đối với các phương tiện tham gia giao thông có hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các lỗi vi phạm thường gây ra tai nạn giao thông; tập trung xử lý đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải và xe vận tải hành khách chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ.

- Tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe ô tô chở khách, điều kiện kinh doanh vận tải khách đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách.

- Kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, rà soát cọc tiêu, biển báo để bổ sung kịp thời, nhất là các đoạn đường đèo dốc quanh co nguy hiểm trên Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh, Tỉnh lộ và các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với các công trình đang thi công, phải hoàn trả mặt đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, không để ùn tắc giao thông do thi công công trình.

- Triển khai các biện pháp ngăn chặn hiện tượng đua xe trái phép, chạy quá tốc độ, rú ga trong khu vực đô thị và tăng cường các biện pháp thích hợp để ngăn chặn tai nạn giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, các đường liên thôn, liên xã.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Công an tỉnh:

- Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và hướng dẫn giao thông trong tất cả các ngày trước, trong và sau tết, đặc biệt chú ý các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao (đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24...), các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông.

- Chỉ đạo Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị trực thuộc liên quan và Công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách, xe tải, xe mô tô vi phạm; cương quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm như: chạy quá tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định, đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; đặc biệt lái xe điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động vận tải ngay khi xe xuất bến, cương quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thể lệ vận tải và điều kiện của người điều khiển phương tiện.

2. Sở Giao thông vận tải:

- Xây dựng phương án huy động tối đa phương tiện vận tải hành khách đảm bảo an toàn kỹ thuật để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của khách, không để khách tồn đọng, ở lại qua đêm tại các bến xe. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian làm việc của người điều khiển phương tiện, an toàn kỹ thuật của phương tiện, yêu cầu đội ngũ lái xe tuân thủ các quy định về an toàn giao thông và quy định khi đi trên đường đèo dốc nguy hiểm để tránh tai nạn xảy ra.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc bán vé xe trong các ngày cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; thông báo công khai giá vé, số lượng vé xe còn lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, website.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông có biện pháp ngăn chặn, xử lý cương quyết các trường hợp phương tiện chở khách chở quá số người quy định tại thời điểm đón, trả khách và trong suốt hành trình vận chuyển; có phương án dự phòng phương tiện để kịp thời vận chuyển tiếp hành khách trên các phương tiện chở quá tải bị đình chỉ lưu hành; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông; lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường...

- Chỉ đạo, các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm đen, đoạn đường có nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ gây ra tai nạn giao thông, nhất là các đoạn đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm; rà soát, bổ sung, sửa chữa hệ thống biển báo, cọc tiêu, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường … để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

[...]