Kế hoạch 293/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 293/KH-UBND
Ngày ban hành 08/05/2018
Ngày có hiệu lực 08/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Xuân Đại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 293/KH-UBND

Nghệ An, ngày 08 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16-CT/TU NGÀY 14/12/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 14/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự (viết tắt là THADS) trên địa bàn tỉnh Nghệ An (viết tắt là Chỉ thị số 16-CT/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ và nhân dân đối với công tác THADS. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, có hiệu quả trong công tác THADS, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả; tránh dàn trải, phân tán nguồn lực.

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương liên quan, từ đó, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xác định rõ trách nhiệm, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.

c) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải kịp thời, nghiêm túc; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 16-CT/TU ngày 14/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị số 16-CT/TU đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, gắn với tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến công tác thi hành án dân sự, trọng tâm là: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự...

b) Kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật THADS cho cán bộ và nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về THADS.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác THADS: Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành liên quan, UBND các cấp phải xác định công tác THADS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân các cấp phải được thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và trên thực tế, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác THADS: Chú trọng công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình tổ chức THADS, nhất là mối quan hệ phối hợp với các cơ quan nội chính (nhất là với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an nhân dân), chính quyền cơ sở, cơ quan tài nguyên và môi trường. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy chế phối hợp liên ngành, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ trong THADS, nhất là trong xác minh, vận động, cưỡng chế, trong xử lý các vụ việc lớn, phức tạp. Quan tâm chỉ đạo quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm tính khả thi trong tổ chức THADS.

4. Tập trung cao để tổ chức thi hành án đối với những vụ việc có điều kiện thi hành, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao hàng năm, trong đó chú trọng vụ việc liên quan tín dụng, ngân hàng, vụ lớn, vụ phức tạp, kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Chú trọng đối thoại với công dân khiếu nại, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS có chất lượng: Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của các cơ quan THADS; tăng cường kỷ cương, kỷ luật nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức THADS có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

6. Quan tâm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án dân sự: Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí (như kinh phí đào tạo, kinh phí xác minh, kinh phí phục vụ cho công tác phối hợp trong thi hành án dân sự), hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS; tạo điều kiện bố trí cấp đất, giải phóng mặt bằng để ngành chủ quản cấp vốn đầu tư xây trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan THADS còn thiếu.

7. Hàng năm tổ chức sơ kết, 05 năm tiến hành tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU gắn với tổng kết công tác và triển khai nhiệm vụ THADS. Thực hiện có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật trong THADS.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh

a) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách theo nhóm lĩnh vực và địa bàn; có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của thành viên. Hàng năm, ban hành chương trình hoạt động và duy trì chế độ họp theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh.

b) Chủ trì chỉ đạo công tác phối hợp trong THADS trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; theo dõi, chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, giá trị tiền, tài sản lớn, phức tạp, kéo dài, việc phải cưỡng chế thi hành án.

c) Tăng cường các biện pháp để xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố tình không chấp hành án, bảo đảm không để xảy ra “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

b) Tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực THADS trên địa bàn.

[...]