Kế hoạch 290/KH-UBND năm 2016 chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm tỉnh Lào Cai năm 2017

Số hiệu 290/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2016
Ngày có hiệu lực 29/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 290/KH-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NGUY HIỂM Ở GIA SÚC, GIA CẦM TỈNH LÀO CAI NĂM 2017

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VÀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH

1. Tình hình dịch bệnh

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) tại 08 xã thuộc 03 huyện Sa Pa, Mường Khương và Si Ma Cai làm 77 con gia súc mắc bệnh (70 con trâu bò, 07 con lợn); dịch cúm gia cầm (A/H5N6) xảy ra tại 04 thôn thuộc 02 xã trên địa bàn huyện Bảo Yên và Bảo Thắng làm 6.404 con gia cầm mắc bệnh, chết phải tiêu hủy; bệnh dại xảy ra tại huyện Bảo Yên và Si Ma Cai làm 04 con chó mắc cắn 09 người; gần đây nhất vào tháng 8 và tháng 9/2016 tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương có 02 người tử vong có biểu hiện của bệnh dại. Một số dịch bệnh nguy hiểm khác như: Tai xanh, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn… được kiểm soát, không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác phòng chống dịch

Công tác phòng chống dịch bệnh được UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời nên các ổ dịch xảy ra nhanh chóng được bao vây, dập tắt nhanh chóng không để lây lan diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh năm 2016 còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như sau:

- Địa bàn xảy ra dịch bệnh chủ yếu là khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, biện pháp phòng bệnh, vệ sinh thú y ít được chú trọng, khu vực ven đường giao thông, mật độ chăn nuôi cao.

- Một bộ phận người chăn nuôi và một số chính quyền cơ sở còn chủ quan lơ là với dịch bệnh; không thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc vắc xin; việc vận chuyển động vật sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ; số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm trên 90%; điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về phòng chống dịch bệnh; chất thải chăn nuôi không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường... đây chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Trong thời gian tới do vận chuyển gia súc, gia cầm vào và đi qua địa bàn tỉnh tăng cao, cùng với tình hình chăn nuôi chưa chuyển biến nhiều, làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trung trâu, bò, bệnh dại động vật...

II. NỘI DUNG

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Thú y;

- Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ;

- Thông tư số 07/2016/TT-BNN ngày 31/5/2016 của Bộ nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

- Văn bản số 8689/BNN-TY ngày 13/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2017.

2. Mục đích, yêu cầu

2.1. Mục đích

- Thực hiện các quy định của Luật Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật;

- Triển khai các biện pháp tổng hợp nhằm ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái phát hoặc lây lan từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh;

- Phát hiện dịch nhanh, kịp thời dập dịch, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, LMLM gia súc và bệnh tai xanh ở lợn...;

- Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

2.2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải tuân theo quy định của của Luật Thú y, Pháp lệnh Thú y và chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh.

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư.

3. Nội dung và giải pháp thực hiện kế hoạch

3.1 Khi chưa có dịch bệnh xảy ra

[...]