Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 29/KH-UBND về Khuyến công thành phố Hà Nội năm 2020

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 11/02/2020
Ngày có hiệu lực 11/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN CÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công; Thực hiện các văn bản của UBND Thành phố: Số 4892/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, số 21/2019/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 về việc Ban hành “Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cho các hoạt động khuyến công thành phố Hà Nội; số 4804/UBND-KT ngày 29/10/2019 về việc bổ sung kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công Thành phố Hà Nội năm 2020; Trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch khuyến công thành phố Hà Nội năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Khuyến công thành phố Hà Nội năm 2020, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện, giám sát các hoạt động Khuyến công của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định pháp luật và Thành phố;

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở không gây ô nhiễm môi trường, có lợi thế xuất khẩu;

- Thông qua hoạt động khuyến công, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể:

Triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu năm 2020, hỗ trợ truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn; hỗ trợ 400 lượt cơ sở tham gia hội chợ trong nước, nước ngoài; hỗ trợ 15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ về tư vấn thiết kế mẫu, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo ra trên 350 mẫu sản phẩm mới; hỗ trợ tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho 1.750 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho trên 10.000 lao động khu vực nông thôn.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức truyền nghề, nhân cấy nghề

Tổ chức 47 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn. Thời gian truyền nghề, cấy nghề là 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các Nghệ nhân, Thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề trung bình có khoảng 80% số lao động được các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn bố trí việc làm với thu nhập ổn định bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

2. Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn

- Tổ chức 10 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn với các nội dung: Khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và Marketing; Thời gian học 2 ngày, giảng viên là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Chuyên gia đầu ngành đến từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội (Đại học: Kinh tế Quốc Dân, Ngoại Thương, Mỹ thuật Công nghiệp và Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương...).

- Tổ chức 10 lớp tập huấn giới thiệu các chế độ chính sách mới về hoạt động khuyến công và làng nghề, thời gian 01 ngày cho khoảng 750 lãnh đạo, cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

- Tổ chức 01 Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mục tiêu thu hút khoảng 100-120 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội và các tỉnh đến gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác cung ứng nguyên liệu, bao tiêu gia công bán thành phẩm ngành thủ công mỹ nghệ.

- Tổ chức Hội thảo quốc tế “Định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm” trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020. Dự kiến, Hội thảo thu hút khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo quản lý doanh nghiệp các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố để nhằm nắm bắt thông tin, định hình chiến lược phát triển thương hiệu và gia tăng giá trị cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ lực của Thành phố.

3. Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất

Hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong đó tập trung vào các dự án góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

4. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

a) Tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020 (Hanoi Giftshow 2020).

Tiếp tục tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020 với quy mô khoảng 450-500 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ có thị phần xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao đến từ Hà Nội và khoảng các tỉnh, thành phố trong nước, cùng 10 đến 12 nước trên thế giới. Thu hút khoảng 10.000 đến 12.000 lượt khách tham quan, trong đó có từ 650 đến 700 nhà nhập khẩu nước ngoài, tạo ra giá trị xuất khẩu ước đạt 6,6 triệu USD (Tăng khoảng 10% so với năm 2019).

b) Tổ chức Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 - Hanoi Great Souvenirs 2020 (Phục vụ khách trong và ngoài nước đến Thủ đô dịp đua xe F1 lần đầu tiên được tổ chức).

Tổ chức hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô, với quy mô khoảng 180 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu phục vụ khách du lịch quốc tế đến Hà Nội mùa giải đua xe F1 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và khách nội địa trong nước. Thu hút khoảng 25.000 đến 30.000 lượt khách tham quan, mua sắm với giá trị đạt khoảng 15 tỷ đồng.

c) Tổ chức mời và hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2020.

Tổ chức mời và hỗ trợ các nhập khẩu nước ngoài, khách quốc tế đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quốc tế hàng TCMN Hà Nội năm 2020. Với mục tiêu mời khoảng 650 đến 700 nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ trong đó có 200 đến 250 nhà nhập khẩu được hỗ trợ (phương tiện đi lại, khách sạn), nhằm tạo điều kiện, cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương, ký kết hợp đồng xuất khẩu giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành TCMN của Hà Nội với các đối tác nước ngoài.

[...]