Kế hoạch 2889/KH-UBND năm 2021 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và trong dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 2889/KH-UBND
Ngày ban hành 27/05/2021
Ngày có hiệu lực 27/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2889/KH-UBND

Bến Tre, ngày 27 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN LÝ VÀ TRONG DẠY HỌC GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030”; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 7002/KH-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và trong dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG VIỆC ỨNG DỤNG CNTT HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC VÀ QUẢN LÝ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. QUY MÔ MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC SINH

- Toàn tỉnh có 183 trường mầm non, mẫu giáo (MN), 185 trường tiểu học (TH), 128 trường trung học cơ sở (THCS), 35 trường trung học phổ thông (THPT), 05 trường phổ thông nhiều cấp học và 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện, thành phố.

- Tỉnh hiện có 46.234 học sinh MN, 95.695 học sinh TH, 69.652 học sinh THCS, 32.152 học sinh THPT và 4.603 học viên học chương trình GDTX cấp THPT. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện có 18.370 người, trong đó: MN có 4.400 người , TH có 6.099 người, THCS có 5.500 người, THPT có 2.102 người, GDTX có 269 người.

II. ỨNG DỤNG CNTT TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH

1. Việc thực hiện cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành của Bộ GDĐT

Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GDĐT, xây dựng các chuẩn về dữ liệu giáo viên, học sinh (Quyết định số 1904/QĐ-BGDĐT ngày 04/7/2019). Đến nay, có 100% các trường học trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo các quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ GDĐT, phục vụ cho nhu cầu thống kê, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành của GDĐT. Sở GDĐT đã phối hợp với VNPT Bến Tre kết nối, báo cáo dữ liệu tự động từ phần mềm vnEdu về Bộ GDĐT, bước đầu liên thông báo cáo dữ liệu về Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GDĐT chỉ nhằm mục tiêu hỗ trợ công tác quản lý giáo dục tổng thể cả nước, không phải là phần mềm quản lý nhà trường, không hỗ trợ liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong nhà trường. Vì vậy, các trường học còn gặp khó khăn trong việc liên thông dữ liệu giữa các phần mềm khác nhau trong nhà trường, cùng một dữ liệu phải nhập liệu nhiều lần, đăng nhập nhiều lần (với các tài khoản khác nhau) vào các hệ thống khác nhau. Việc tổng hợp, kết nối dữ liệu kết quả đầu ra của các phần mềm phục vụ quản lý chưa thực hiện được.

2. Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục

Thực hiện Công văn số 5870/BGDĐT-CNTT ngày 21/12/2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 70% các trường học cơ bản đáp ứng các tiêu chí của mô hình ở mức cơ bản; các trường còn lại đạt khoảng 70% tiêu chí; có 02 trường THPT đang phấn đấu thực hiện mô hình đạt mức nâng cao (đạt hơn 80% tổng số tiêu chí mức nâng cao). Riêng tiêu chí có đủ máy tính phục vụ dạy môn tin học (tiểu học 24 học sinh/máy tính, THCS 16 học sinh/máy tính, THPT 12 học sinh/máy tính) không có đơn vị nào đạt được tiêu chí này. Kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục như sau:

- Triển khai trong toàn ngành phần mềm quản lý nhà trường vnEdu với các mô đun chính hỗ trợ công tác quản lý học sinh trong nhà trường; từng bước thay thế các loại sổ quản lý học sinh (sổ điểm, sổ liên lạc, học bạ, các loại sổ khác) thành sổ điện tử. 100% các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX, 102/377 (27%) các trường TH, MN và trường nhiều cấp học triển khai thực hiện sổ điện tử quản lý học sinh (theo đặc thù cấp học); có 40,32% phụ huynh học sinh tham gia đăng ký sổ liên lạc điện tử, nhận tin nhắn thông báo kết quả học tập của học sinh từ hệ thống vnEdu. Sổ học bạ điện tử có 27/45 (60%) các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, 19/128 (15%) các trường THCS triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các trường học cũng đã triển khai các phần mềm hỗ trợ quản lý như: phần mềm xếp thời khóa biểu, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục.

- Việc triển khai cổng thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý, điều hành: Hệ THPT có 33/35 (94%) trường triển khai thực hiện (trường THPT Thạnh Phước và THPT Võ Văn Kiệt mới thành lập nên chưa có cổng thông tin điện tử), trong đó 12/33 trường thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo quy định; Hệ GDTX có 7/9 trung tâm triển khai thực hiện, hầu hết các trung tâm chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo quy định; bậc THCS, TH và MN có trên 80% các trường triển khai thực hiện, trọng đó hầu hết các trường chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo quy định.

- Việc triển khai thực hiện hệ thống quản lý hành chính điện tử, quản lý văn bản điều hành (e-Office, vnpt-ioffice): 100% các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, 327/501 (65%) các trường THCS, TH, MN thực hiện.

- Cung cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên thư điện tử, các ứng dụng điện toán đám mây phục vụ công tác quản lý, điều hành: 100% các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trên 90% các trường THCS, TH, MN và trường có nhiều cấp học triển khai sử dụng có hiệu quả hộp thư điện tử. Trong đó, có 09 Phòng GDĐT, 01 trường THPT thực hiện tạo thư điện tử với tên miền riêng của đơn vị; 41/45 (91%) các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trên 50% các trường THCS, TH, MN triển khai sử dụng mô hình quản lý, dạy học có vận dụng kỹ năng số, điện toán đám mây.

3. Về việc triển khai tuyển sinh đầu cấp học qua mạng, triển khai dịch vụ hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4

- Năm học 2020 - 2021, ngành GDĐT triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các huyện, thành phố về xét tuyển học sinh vào lớp 6 tại các trường có số học sinh đăng ký xét tuyển cao; tổ chức cho phụ huynh, học sinh lớp 5 đăng ký trực tuyến tại địa chỉ bentre.tsdc.vnedu.edu.vn có kết nối liên thông dữ liệu với Hệ thống quản lý nhà trường vnEdu, các trường tiểu học hỗ trợ chuyển dữ liệu học sinh từ vnEdu tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh khi thực hiện đăng ký.

- Từ năm 2018 đến tháng 10/2020, ngành GDĐT đã cung cấp 74 dịch vụ công trực tuyến (69 dịch vụ mức độ 4, 03 dịch vụ mức độ 3 và 02 dịch vụ mức độ 2), tiếp nhận và giải quyết cho 2.148, trong đó có 1.140 hồ sơ đăng ký và xử lý trực đạt tỉ lệ 53,1% (287/1140 được xử lý ở mức độ 4, chiếm tỉ lệ 25,2%)

III. ỨNG DỤNG CNTT TRONG ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP DẠY - HỌC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

Từ năm học 2016 - 2017, ngành GDĐT đã chỉ đạo cho các đơn vị trường học tích cực xây dựng và cung cấp cho học sinh các khóa học trực tuyến (bài giảng e-Learning, tài liệu, bài tập, bài kiểm tra…). Mỗi năm học, các đơn vị đều tuyển chọn một số bài dạy có chất lượng gửi về Sở GDĐT đóng góp vào kho học liệu số của ngành. Năm học 2019 - 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, Sở GDĐT đã triển khai việc dạy và học trực tuyến và đạt được kết quả như sau: có hơn 1.450 bài giảng e-Learning được thực hiện từ các trường học, hệ thống học tập trực tuyến VNPT LMS ghi nhận được 337/369 trường học tham gia (tỉ lệ 91,2%), có 24.816 khóa học, 1.578 bài kiểm tra đánh giá, 32.558 câu hỏi trắc nghiệm, 3.432 tài liệu với hơn 26.424 lượt giáo viên, 373.588 lượt học sinh tham gia dạy - học trực tuyến.

- Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung dạy học, phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá trực tuyến được thực hiện từng bước qua các năm học: 100% các trường học triển khai có hiệu quả việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học bằng việc ứng dụng CNTT; 21/45 (47%) các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, trên 86/313 (27%) các trường THCS, TH có thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến; một số giáo viên trường THPT đã thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến ở một số môn học.

IV. ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ỨNG DỤNG CNTT

- Hằng năm, ngành GDĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng CNTT đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định, kỹ năng khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý trong nhà trường; kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; kỹ năng khai thác các nguồn học liệu, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet; kỹ năng sử dụng các phần mềm trình chiếu, phần mềm soạn bài giảng e-Learning, phần mềm dạy học, phần mềm tạo khóa học điện tử để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trên lớp học...

- Đến năm học 2019-2020, toàn ngành có 100% đơn vị thực hiện ứng dụng CNTT phục vụ công việc; hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên biết sử dụng máy tính, các đơn vị đều có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách CNTT (chưa có cán bộ chuyên trách). Các cấp học có 542 giáo viên dạy môn Tin học.

[...]