Kế hoạch 279/KH-UBND năm 2022 về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 279/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 279/KH-UBND

Lào Cai, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; diện tích tự nhiên 6.364,03 km2, có gần 182,086 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, có 7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 152 xã, phường, thị trấn. Dân số đến năm 2021 là 761.090[1] người (xếp thứ 55 trong các tỉnh, thành phố của cả nước), gồm 25 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,22%. Trình độ dân trí còn không đồng đều giữa các vùng, người dân sinh sống chủ yếu làm nông lâm nghiệp, tập quán canh tác còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, còn 66 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,19%, cận nghèo 12,37%[2] (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Theo Niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2021: Thu nhập bình quân đầu người một tháng chung toàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 3.474 nghìn đồng (khu vực thành thị 6.120 nghìn đồng, khu vực nông thôn 2.487 nghìn đồng); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo 24,59%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 86,38%; tuổi thọ trung bình là 69,96; tổng tỷ suất sinh 2,40; tăng tự nhiên 11,53‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 05 tuổi là 15,7‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 01 tuổi là 9,21‰.Tỷ số giới tính khi sinh năm 2021 là 113[3] trẻ trai/100 trẻ gái.

Trong những năm qua, công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được cấp ủy đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Chỉ số phát triển con người (HDI) từng bước được cải thiện. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn và phát triển; tuổi thọ trung bình tăng qua các năm. Công tác truyền thông chuyển đổi hành vi ngày càng được tăng cường; chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao; từng bước thực hiện tầm soát bệnh, tật bẩm sinh. Công tác chăm sóc dinh dưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả; việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng giảm.

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu quan trọng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe còn đạt thấp so với toàn quốc. Tuổi thọ bình quân tăng chậm, số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp; tầm vóc, thể lực và sức bền của người dân chậm được cải thiện. Tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ý thức về chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 05 tuổi vẫn còn cao so với toàn quốc và có sự chênh lệch giữa các vùng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được tiếp cận sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh còn thấp; tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào rèn luyện nâng cao thể chất người dân trong cộng đồng còn chưa rộng khắp. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính chiến lược, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác nâng cao chất lượng dân số, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác dân số chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có những biến động, thay đổi, hạn chế hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cộng tác viên dân số chế độ đãi ngộ còn thấp, hoạt động chưa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho y tế mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản. Công tác xã hội hóa, huy động kinh phí cho giáo dục ở vùng cao còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc vùng cao về công tác dân số còn chưa thực sự đầy đủ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đầy đủ các nội dung tại Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai bảo đảm quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh tật. Quan tâm công tác giáo dục nâng cao nhận thức người dân, phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Lào Cai bằng mức trung bình toàn quốc vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Về quy mô dân số

(1) Duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ≤ 1,2%, tổng tỷ suất sinh (TFR, số con trung bình/bà mẹ) dưới 2,3 con/bà mẹ vào năm 2025 và dưới 2,1 con/bà mẹ vào năm 2030;

(2) Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) dưới 112 vào năm 2025 và dưới 109 vào năm 2030;

b) Về chất lượng dân số

(1) Đến năm 2025 không còn hôn nhân cận huyết thống; đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh;

(2) Tỷ lệ khám, tư vấn sức khỏe trước kết hôn cho thanh niên, vị thành niên (từ 15 trở lên) đạt 30% vào năm 2025, đạt 90% vào năm 2030;

(3) Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 04 bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt trên 60% vào năm 2025; đạt trên 70% vào năm 2030;

(4) Tỷ lệ trẻ em được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 05 loại bệnh bẩm sinh phổ biến đạt trên 60% vào năm 2025; đạt trên 90% vào năm 2030;

(5) Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 26% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 13% vào năm 2025 và dưới 10% vào năm 2030; số trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98% vào năm 2025 và trên 99% vào năm 2030.

(6) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi dưới 12,5‰ vào năm 2025 và dưới 10‰ vào năm 2030; tử vong trẻ em dưới 05 tuổi dưới 18,5‰ vào năm 2025 và dưới 15‰ vào năm 2030.

c) Về chỉ số phát triển con người

(1) Tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi, thời gian sống khỏe mạnh đạt 66 năm vào năm 2025; đạt 75 tuổi, thời gian sống khỏe mạnh đạt 68 năm vào năm 2030;

(2) Chiều cao trung bình của người trưởng thành (trên 18 tuổi) đối với nam đạt 167,0 cm, đối với nữ đạt 157,0 cm vào năm 2025; và đối với nam đạt 168,5 cm, đối với nữ đạt 157,5 cm vào năm 2030;

(3) Phấn đấu duy trì thu nhập bình quân của tỉnh trong tốp 15 tỉnh đứng đầu cả nước, nâng mức thu nhập vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đương mức thu nhập trung bình của toàn quốc vào năm 2030.

[...]