Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 27/KH-UBND về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2020

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 18/02/2020
Ngày có hiệu lực 18/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, NĂM 2020

Thực hiện Quyết định 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025” và các quy định có liên quan, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2020, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện về mọi mặt, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức như: Được hưởng trợ cấp xã hội; được trợ giúp về khám chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng; được hỗ trợ về giáo dục; được tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em; được hưởng các phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác.

- Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2019; 100% trẻ em bị xâm hại khi phát hiện được hỗ trợ, quản lý can thiệp kịp thời; đảm bảo trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời.

- 50% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được phổ biến, tuyên truyền về các chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- 100% công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên làm công tác trẻ em được nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

II. NỘI DUNG

1. Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

a) Nội dung truyền thông

- Các văn bản của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Luật Trẻ em năm 2016; Chỉ thị số 20-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

- Các kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc và chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; kiến thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời và các nội dung thuộc chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em khác...

- Truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương, đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: 02553.822.415, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại các địa phương, để nhân dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

b) Hình thức truyền thông

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em thông qua các hoạt động như: hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, hội thi,...; lồng ghép kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em vào hoạt động của ngành nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của gia đình, cộng đồng và xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em (nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tập huấn kỹ năng sống...).

- Tăng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên các phương tiện truyền thông như: Báo Quảng Ngãi, Trang tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện, và cấp xã.

- Nghiên cứu, xây dựng sản xuất các sản phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với từng đối tượng (tài liệu, tờ rơi, pano, áp phích...) cấp phát cho trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư, cộng tác viên, cán bộ làm công tác trẻ em và các ban, ngành, đoàn thể liên quan...

- Chú trọng truyền thông trực tiếp qua đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng.

c) Đối tượng và phạm vi truyền thông

- Truyền thông cho trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư, cán bộ, cộng tác viên làm công tác liên quan đến trẻ em, các sở, ban, ngành, đoàn thể...; chú trọng vào đối tượng nam giới.

- Phạm vi truyền thông triển khai trên toàn tỉnh, ưu tiên các xã miền núi, vùng ven biển, Khu công nghiệp, Khu kinh tế Dung Quất...

d) Tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng ‘‘Tháng hành động vì trẻ em năm 2020”, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, cộng tác viên cơ sở làm công tác liên quan đến trẻ em

[...]