Kế hoạch 2686/KH-UBND năm 2018 về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2018-2021 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 2686/KH-UBND
Ngày ban hành 18/06/2018
Ngày có hiệu lực 18/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Huỳnh Cách Mạng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2686/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN NĂM 2018 - 2021

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố: Chỉ thị số 17/2012/CT-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2012 về quán triệt và thực hiện Thông tư số 07-TT/TU ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Thành ủy về quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 13/2013/CT-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2013 về triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 11/2015/CT-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2015 về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Kế hoạch số 2728/KH-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2017 về triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn Thành phố, Công văn số 7157/UBND-NCPC ngày 21 tháng 11 năm 2017 về việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc thực hiện hiệu quả Đề án số 1 của Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Ủy ban nhân dân Thành phố có kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Góp phần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện.

2. Tiếp tục tổ chức thi hành chính xác, thống nhất, đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó, thường xuyên quán triệt những vấn đề, nguyên tắc quan trọng, cơ bản về phổ biến, giáo dục pháp luật quy định tại Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, đơn cử như:

Điều 2. Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân

1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiu, học tập pháp luật.

2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

2. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Điều 4. Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 5. Các nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực.

2. Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

3. Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

4. Gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội.

Điều 9. Các hành vi bị cấm

1. Truyền đạt sai lệch, phê phán nội dung pháp luật được ph biến; không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật để gây cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

[...]