Kế hoạch 264/KH-BCĐ389 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 264/KH-BCĐ389
Ngày ban hành 27/10/2022
Ngày có hiệu lực 27/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Thương mại

UBND TỈNH VĨNH PHÚC
BAN CHỈ ĐẠO 389
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/KH-BCĐ389

Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CAO ĐIỂM ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2022 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dần trở lại bình thường nên tình hình sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại dự báo sẽ tiếp diễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là những tháng cuối năm 2022 và dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Để tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường, phát triển kinh tế trong tình hình mới. Kịp thời phát hiện xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Căn cứ Văn bản 6671/UBND-KT4 ngày 26 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường thời gian tới. Ban chỉ đạo 389 Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành thành viên ban chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm.

- Triển khai hoạt động kiểm tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát hiện các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh hợp pháp.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2. Yêu cầu

- Các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải tuân thủ đúng nội dung kế hoạch và quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

- Hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa hợp pháp.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Nội dung kiểm tra, kiểm soát

Trong đợt cao điểm các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phải tập trung kiểm tra, kiểm soát các nội dung, lĩnh vực sau:

- Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và việc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định;

- Kiểm tra việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

- Kiểm tra việc thực hiện cân, đong, đo, đếm, đóng gói hàng hóa, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng cân, đong, đóng gói để tăng giá hàng hóa. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Kiểm tra các dấu hiệu của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, ép giá; lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

- Kiểm tra việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật...

- Kiểm tra, phát hiện các hành vi lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận về định mức nguyên phụ liệu, chính sách ưu đãi thuế VAT, chuyển giá,... và việc chấp hành quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế.

- Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động phổ biến pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại.

2. Mặt hàng kiểm tra

Các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát là:

[...]