Kế hoạch 2615/KH-UBND năm 2022 về hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 2615/KH-UBND
Ngày ban hành 16/06/2022
Ngày có hiệu lực 16/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phan Tấn Cảnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2615/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HẠN CHẾ VÀ TIẾN TỚI CẤM SỬ DỤNG TÚI NI LÔNG KHÓ PHÂN HỦY, ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN TẠI CÁC SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI, KHU DU LỊCH, CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH, KHÁCH SẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (viết tắt là Quyết định 1316),

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa; phát huy và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, phân loại các chất thải nhựa sử dụng một lần và bao bì, túi ni lông khó phân hủy; vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định.

Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

2. Yêu cầu:

Các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức tăng cường hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt; quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa, triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu để hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn; gắn việc thực hiện Quyết định 1316 với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và tiến độ đề ra.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa:

a) Đánh giá tổng thể thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn.

b) Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, nhất là hạn chế việc đầu tư mới cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

c) Xây dựng mạng lưới giới thiệu các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, xả rác thải không đúng quy định:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải gắn với việc tổ chức Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,...

b) Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải, sản phẩm nhựa, đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tổ chức xét tặng và trao giải thưởng môi trường tỉnh, huyện; kiểm điểm, phê bình, xử lý các đơn vị, địa phương không hoàn thành.

c) Xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào, sáng kiến về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương.

3. Nghiên cứu, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường:

a) Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả tỉnh mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, tiến tới sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa.

b) Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa.

c) Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần.

d) Tổ chức, thực hiện vận động các doanh nghiệp sản xuất, các trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn đăng ký tham gia phong trào chống rác thải nhựa.

4. Rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa:

a) Xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất, ưu đãi, khuyến khích việc kinh doanh, lưu thông, phân phối, sử dụng các sản phẩm nhựa, các loại túi, bao bì thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; đồng thời kiến nghị các hình thức xử lý đối với các tổ chức bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại), các tổ chức dịch vụ (khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn) không có kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông.

b) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi ni lông.

III. GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

[...]