Kế hoạch 2598/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg về "Nâng cao năng lực công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới" do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 2598/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Võ Ngọc Hiệp
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2598/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 06/CT-TTG NGÀY 24/02/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ “NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN HÀNG KHÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI”

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 24/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao năng lực công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới” (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 06/CT-TTg), Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả, đầy đủ các quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về An ninh hàng không và Chỉ thị số 06/CT-TTg; tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh, an toàn hàng không tại địa phương.

2. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác nhằm nâng cao năng lực công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới. Tập trung công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng và an toàn xã hội tại địa phương; tiếp nhận, xử lý tội phạm và các vụ việc vi phạm về an ninh trật tự, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện các phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

3. Xác định rõ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và cơ chế, mối quan hệ phối hợp của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm mục tiêu, nguyên tắc đảm bảo an ninh hàng không theo Chỉ thị số 06/CT-TTg:

a) An ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, cần được quan tâm một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình an ninh quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

b) An ninh hàng không được đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, được xây dựng trên nền tảng của nền Quốc phòng toàn dân và thế trận An ninh nhân dân.

c) Công tác đảm bảo an ninh hàng không phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh hàng không.

d) Xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phát huy vai trò quản lý Nhà nước tại địa phương, tích cực chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn bảo đảm an ninh trât tự, an ninh hàng không. Thực hiện nguyên tắc bốn tại chỗ, bao gồm: Phương án đối phó tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

2. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, Công an, Quân đội và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác đảm bảo an ninh hàng không, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cảng hàng không, sân bay.

3. Thực hiện hiệu quả công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn về an ninh hàng không (theo thẩm quyền); rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về an ninh hàng không; các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.

4. Thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không theo đúng quy định; tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin, kiểm soát an ninh đối với giấy tờ sử dụng đi tàu bay, đảm bảo an ninh vùng trời, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo đảm an ninh hàng không.

5. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, xây dựng và tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

6. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hàng không đứng chân tại địa phương để triẻn khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm đến an ninh, an toàn hàng không trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, quản lý dân cư, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy chữa cháy, tuần tra kiểm soát giao thông, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm về an ninh, trật tự tại Cảng hàng không Liên Khương.

b) Chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Đức Trọng, Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại sân bay Liên Khương, Cảng hàng không Liên Khương và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác điều phối, ứng phó với sự cố an ninh mạng, an toàn thông tin hàng không tại Cảng hàng không Liên Khương.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn Công an huyện Đức Trọng về nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa Công an địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng không về đảm bảo an ninh trật tự, An ninh hàng không.

đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Chủ động rà soát việc mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ”; tham mưu hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn về an ninh hàng không, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh hàng không…

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý tàu bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ, hoạt động bay của các câu lạc bộ dù lượn trên địa bàn (nếu có), tránh uy hiếp đến an toàn hàng không[1].

b) Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại Liên Khương, Cảng hàng không Liên Khương và UBND huyện Đức Trọng xây dựng Phương án ứng phó tàu bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không tại Cảng hàng không Liên Khương; giám sát, cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm hoạt động hàng không dân dụng trên địa bàn.

[...]