Kế hoạch 2580/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chỉ thị 1788/CT-BNN-TCLN về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2580/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2020
Ngày có hiệu lực 13/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2580/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 13 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 1788/CT-BNN-TCLN NGÀY 10/3/2020 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐẶC DỤNG, PHÒNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Chỉ thị số 1788/CT-BNN-TCLN ngày 10/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ. Để phát triển bền vững, đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền địa phương khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ theo tinh thần Chỉ thị số 1788/CT-BNN- TCLN gắn với việc đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch, Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng, Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh đã ban hành theo hướng phát triển bền vững.

Tiếp tục bảo vệ, giữ vững ổn định diện tích rừng theo Quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025 của tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 3656/QĐ-UBND ngày 27/12/2018, trong đó giữ ổn định diện tích và phát triển bền vững đến năm 2025 đối với 32.496,03 ha rừng đặc dụng và 135.734,82 ha rừng phòng hộ; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, địa phương mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tham mưu cho cấp ủy cùng cấp và triển khai thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 5907/KH- UBND ngày 19/12/2011 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 3108/KH-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 27-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 1176/KH-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 12-NQ-CP của Chính phủ cùng các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực lâm nghiệp và đất đai.

Quá trình triển khai thực hiện cần phải chủ động, kiên quyết; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, nhất là đối với các cấp, các đơn vị ở cơ sở; bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Rà soát xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận;

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện, Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương sở tại rà soát, xác định ranh giới ngoài thực địa theo bản đồ và hồ sơ địa chính của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Tổ chức bàn giao hiện trạng, ranh giới, mốc giới đối với diện tích rừng tự nhiên được điều chỉnh đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho chủ rừng tiếp nhận quản lý, bảo vệ; đồng thời triển khai bổ sung mốc giới, làm rõ ranh giới ngoài thực địa đối với diện tích này. Thời gian hoàn thành trong quý II/2021.

b) Phối hợp chính quyền cấp xã để xác định cụ thể số hộ, diện tích sản xuất nông nghiệp ổn định hiện còn xen kẽ bên trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để làm rõ ranh, mốc giới trên bản đồ và thực địa, cam kết không lấn ranh, thay đổi hiện trạng cây trồng. Thời gian hoàn thành trong quý IV/2020.

c) Triển khai các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng rừng và đất rừng đặc dung tại 02 Khu Bảo tồn thiên nhiên. Trước mắt, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn làm rõ ranh giới, vị trí, hiện trạng diện tích vùng đệm; làm rõ ranh giới, mốc giới diện tích người dân đang canh tác trong lâm phận của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu theo Kết luận Thanh tra số 475/KL-UBND ngày 13/02/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.

d) Phối hợp UBND tỉnh huyện Tánh Linh, huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông hoàn thành việc kê khai, quy chủ và xử lý xong việc lấn chiếm, sử dụng trái phép 1.045 ha đất rừng đặc dụng; làm rõ mốc giới, ranh giới ngoài thực địa đối với diện tích trên để tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Thời gian hoàn thành trong quý IV/2020.

1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc:

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định cụ thể việc xác lập diện tích rừng được điều chỉnh đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 3656/QĐ- UBND ngày 27/12/2018 để hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp.

b) Rà soát, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ theo Quyết định số 3656/QĐ-UBND ngày 27/12/2018, trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng. Thời gian hoàn thành vào cuối quý I/2021.

2. Xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng mục đích; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật:

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp Chi cục Kiểm lâm, các ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng, lấn, chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương; Kế hoạch số 5907/KH-UBND ngày 19/12/2011 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 3108/KH-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 27-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian thực hiện thường xuyên.

b) Tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích đất rừng được giao quản lý; hàng năm có phương án, kế hoạch cụ thể để bảo vệ có hiệu quả các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ cao về phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, nhất là khu vực rừng đầu nguồn, chống cát bay và sa mạc hóa, khu vực giáp ranh với các tỉnh; tăng cường đầu tư nhân lực, tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa các tác nhân xâm hại gây suy thoái chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Thời gian thực hiện thường xuyên.

c) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng triển khai đợt kiểm tra, rà soát, thống kê làm rõ vị trí, hiện trạng, diện tích bị phá, bị lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại các Ban quản lý rừng; trên cơ sở đó đề xuất các phương án cụ thể để tập trung xử lý và chỉ đạo giải quyết các trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp, sử dụng trái pháp luật đất rừng theo hướng: thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 05/6/2013 của UBND tỉnh tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 23/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch bố trí vốn ưu tiên trồng lại rừng trên diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị lấn, chiếm, sử dụng trái pháp luật; hoặc khoanh nuôi bảo vệ để rừng tái sinh và phục hồi tự nhiên. Thời gian thực hiện thường xuyên.

d) Chỉ đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng tại phân khu phục hồi sinh thái thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3219/QĐ-UBND ngày 22/11/2018. Thời gian thực hiện theo tiến độ của Đề án.

[...]