Kế hoạch 257/KH-UBND năm 2017 thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2017–2020 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 257/KH-UBND
Ngày ban hành 11/05/2017
Ngày có hiệu lực 11/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 257/KH-UBND

An Giang, ngày 11 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

Thực hiện Công văn số 995/LĐTBXH-TE ngày 17 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em;

Thực hiện Quyết định số 1040/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020.

UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2017 – 2020, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Thực trạng

Đối với nước ta, tình trạng bạo lực trẻ em trong những năm gần đây diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, người sử dụng lao động và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em có hành vi bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, tạo bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê và nhận định, đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2012 – 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%. Tuy nhiên con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê; Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh; người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi; một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như cha dượng hiếp dâmcon riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột trong một thời gian dài. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài và xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí là dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc trẻ em tự tử. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm.

Ở An Giang theo thống kê của ngành Công an và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm qua toàn tỉnh phát hiện 338 vụ xâm hại trẻ em, trong đó khoảng 50% vụ xâm hại tình dục.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc ”bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự ”rắc rối ”liên quan đến họ. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục là do nhận thức của người dân chưa lường hết hậu quả của việc bạo lực, xâm hại trẻ em để lại; hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên một bộ phận cha mẹ, người chăm sóc trẻ lo mưu sinh kiếm sống ít quan tâm con cái; bản thân trẻ em nhận thức về vấn đề xâm hại tình dục còn non nớt, chưa lường hết được các mối nguy hiểm đe dọa đối với mình; đối tượng xâm hại đa phần trình độ văn hoá thấp, thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật; công tác tuyên truyền vận động phòng, tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế, chưa đảm bảo độ bao phủ 100% người dân được tham gia; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về phòng, tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em của một bộ phận dân cư chưa nghiêm; tồn tại một số quan điểm của người lớn còn xem nhẹ việc xử lý, giải quyết các vấn đề của trẻ em trong xử lý vi phạm hành chính, trong các vụ án hình sự, đặc biệt con xem nhẹ trong chính sách phát triển quyền con người.

II. KẾ HOẠCH BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

1. Mục tiêu tổng quát: Đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục và trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu giảm 5% tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục so với năm 2016.

- 90% trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được phát hiện, có giải pháp phòng tránh để không bị bạo lực, không bị xâm hại tình dục.

- 100% trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được phát hiện và can thiệp trợ giúp kịp thời.

3. Phạm vi và đối tượng tác động

- Đối tượng: Trẻ em; gia đình trẻ; đối tượng xâm hại và có nguy cơ xâm hại trẻ em.

- Phạm vi: Thực hiện trên toàn tỉnh, ưu tiên vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

4. Giải pháp thực hiện Kế hoạch

- Tăng cường tính chủ động của mỗi địa phương trong việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em nhằm ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời tăng cường phối hợp với các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Phát huy vai trò của trẻ em trong việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và làm tròn bổn phận của trẻ em theo quy định của pháp luật.

- Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em và các hoạt động khác phù hợp với độ tuổi, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, nhận dạng các nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại.

[...]