Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP về chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 254/KH-UBND
Ngày ban hành 25/10/2023
Ngày có hiệu lực 25/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 254/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 25 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 58/NQ-CP NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG, PHỤC HỒI NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là Kế hoạch), với những nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

2. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế.

3. Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Chủ động xây dựng chính sách, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững.

5. Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025:

a) Đạt 12.000 doanh nghiệp thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế; khoảng 60 - 90 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

b) Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30 - 35% GRDP của tỉnh.

c) Khoảng 35 - 40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

d) Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số.

đ) 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

e) Khoảng 70 - 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn:

1.1. Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh

a) Các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố:

- Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

- Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố: Khẩn trương đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

c) Các Sở, ban, ngành (các chủ đầu tư dự án đầu tư công) có liên quan và UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

[...]