Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 254/KH-UBND
Ngày ban hành 28/09/2020
Ngày có hiệu lực 28/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 254/ KH-UBND

Lào Cai, ngày 28 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Phần I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Lào Cai đã đạt được kết quả ấn tượng, nhiều dự án du lịch quy mô lớn triển khai đi vào hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại Lào Cai, ngành du lịch từng bước khẳng định là khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh, đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đề ra, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng gấp đôi so với giai đoạn đoạn trước, đạt mức tăng trưởng bình quân (TTBQ): 22,6%/năm; tổng thu du lịch đạt mức TTBQ: 44,2%/năm. Tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2019 đạt: 5,1 triệu lượt khách[1], vượt 13,5% so với mục tiêu Đề án; tổng thu từ khách du lịch đạt: 19.200 tỷ đồng. Số lượng đơn vị kinh doanh du lịch phát triển cả về chất và lượng, nhiều khách sạn, khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế[2],... Năm 2020 trước ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Lào Cai là một trong những địa phương đã sớm đề ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch và kích cầu, khôi phục tăng trưởng du lịch. Tính đến hết tháng 7, tổng lượt khách đến Lào Cai đạt trên 1.262.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 4.327 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 đạt trên 2 triệu lượt; doanh thu 9.000 tỷ đồng. Nhìn chung công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch được đổi mới, có chuyển biến tích cực. Kết quả đã hình thành các sản phẩm du lịch nổi bật. Cụ thể như sau:

1. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng

Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng số lượng các cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng với hơn 1.300 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, tăng gấp đôi so với năm 2015. Hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao được đầu tư, các thương hiệu hàng đầu về kinh doanh lưu trú đã có mặt tại Lào Cai như Victoria, Acord,... nhiều tiêu chuẩn của chuỗi tập đoàn kinh doanh khách sạn quốc tế được áp dụng tại Lào Cai. Do đó, chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, nguồn nhân lực du lịch đã được nâng lên và thay đổi tích cực trong thời gian vừa qua: Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan legend; Khu du lịch sinh thái Topas Ecologe, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Hotel de la coupole - Mgallery by sofite, Silk Path, Pao’s Sa Pa,...), đem lại nhiều trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách.

2. Sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng

- Các di sản văn hóa được xây dựng và khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch mang đặc sắc của du lịch Lào Cai, như: Chương trình "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”: Xây dựng và triển khai Chương trình du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Lào Cai tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát; Chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch: Chợ Văn hóa Bắc Hà, Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),...; Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tại Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, Đền Cô Tân An, Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) - kết nối với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái) - Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ),...; các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển bền vững như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu tào người Hmong, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát).

- Chương trình du lịch "Sắc hoa Tây Bắc" thông qua các Lễ hội Hoa phục vụ du khách tại các địa điểm: Lễ hội Hoa Xuân tại đường An Dương Vương, thành phố Lào Cai; Lễ hội Hoa Sa Pa tại khu vực Ga đi của cáp treo Fansipan, thị trấn Sa Pa, nhằm giới thiệu trưng bày các loài hoa Lan, hoa Anh Đào và hoa Đỗ Quyên của tỉnh Lào Cai; Chương trình du lịch chuyên đề "Mùa hoa Đỗ Quyên" tại Vườn Quốc Gia Hoàng Liên (Sa Pa), rừng già Y Tý (Bát Xát); điểm tham quan Thung lũng hoa Bắc Hà, Công viên hồ Na Cồ (Bắc Hà); Chương trình ngắm hoa Tam giác mạch vào tháng 3 - 4 và tháng 9 -10 tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai kết nối với Hà Giang.

- Du lịch cộng đồng: Được quan tâm phát triển đúng định hướng, gắn với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lào Cai, với trên 20 điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên,... hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số kinh doanh lưu trú tại gia (homestay) trên địa bàn toàn tỉnh.

- Văn hóa ẩm thực Lào Cai tiếp tục được khai thác, quảng bá hiệu quả đến khách du lịch trong nước và quốc tế: Đã phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan Ẩm thực Lào Cai năm 2017, giới thiệu quảng bá các món ăn độc đáo như: Thắng cố Bắc Hà, cá Hồi Sa Pa, thịt lợn muối người Hmong, rượu Pa Dí Mường Khương, xôi màu Nùng Dín,...

3. Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp - làng nghề

- Hình thành 51 sản phẩm được công nhận OCOP hỗ trợ du lịch phát triển. Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thăm quan các vườn mận, bưởi, quýt, Thung lũng hoa Bắc Hà, vườn Hồng Mộng Mơ ở Sa Pa,... Các điểm du lịch sinh thái (Thác Bạc, Suối Vàng, Thác Tình Yêu,...) đã được quan tâm xây dựng bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Sản phẩm du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống: Nghề chạm khắc dân tộc Hmong; nghề thêu thùa thổ cẩm người Dao, Hmong; nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì,... cũng được quan tâm phát triển.

4. Sản phẩm du lịch sự kiện

 Nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công tạo được tiếng vang trong nước. Năm Du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc do tỉnh Lào Cai đăng cai được tổ chức thành công, quy mô và ấn tượng, thu hút sự tham gia vào cuộc của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa.

5. Sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm

 Chương trình du lịch "Chinh phục đỉnh cao" như: Đỉnh Fansipan (Sa Pa) và đỉnh Ky Quan San, Nhìu Cồ San (Bát Xát), cùng các giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, “Vó ngựa trên mây” Sa Pa, giải VMM (Marathone quốc tế) được tổ chức thường niên.

6. Sản phẩm du lịch thông minh

Ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo bộ công cụ sản phẩm du lịch thông minh gồm: Cổng du lịch thông minh (www.laocaitourism.vn), kho dữ liệu du lịch thông minh (các app trên di động, Ipad - máy tính bảng) và phần mềm quản lý lưu trú thông minh giúp tuyên truyền quảng bá, tư vấn thông tin rộng rãi cho nhân dân và du khách, tăng cường công tác quản lý du lịch.

7. Liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch

 Tổ chức nhiều chương trình khảo sát nghiên cứu xây dựng các chương trình (tour) du lịch liên kết phát triển, cụ thể như: Chương trình phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Tour Du lịch Lào Cai - Điện Biên - Lào - Thái Lan, Chương trình du lịch 2 Quốc gia, 6 điểm đến Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc), liên kết với thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch mới.

II. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

1. Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển sản phẩm du lịch Lào Cai vẫn còn những khó khăn, hạn chế sau:

- Việc xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số lượng, chất lượng các sản phẩm du lịch thiếu đặc sắc, còn trùng lặp, nhiều sản phẩm đã khai thác lâu năm chưa được đổi mới; giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm.

[...]