Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về đẩy mạnh công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 20/03/2017
Ngày có hiệu lực 20/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 20 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TU NGÀY 06/01/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI ĐẢNG, NGOẠI GIAO NHÀ NƯỚC VÀ ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 06/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020;

Trên cơ sở thực hiện và dự báo tình hình thực tiễn triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra trong Nghị quyết số 12-NQ/TU; đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế, tập trung mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý cho phát triển doanh nghiệp và sản phẩm; thu hút đầu tư, nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương;

- Xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của địa phương trong quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng về quốc phòng, an ninh nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;

- Góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh.

2. Yêu cầu

- Xác định nội dung công việc, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU.

- Triển khai các hoạt động đối ngoại hiệu quả, tiết kiệm, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các nhiệm vụ phải được phân kỳ thực hiện rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể. Thường xuyên theo dõi, báo cáo, rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

I. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển công tác đối ngoại giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030

Đánh giá cụ thể thực trạng công tác đối ngoại địa phương, thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để định hướng xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, phát triển toàn diện công tác đối ngoại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác đối ngoại

Tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân và nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 06/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin đối ngoại, người Hòa Bình ở nước ngoài của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành(1)...; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

3. Chủ động, tích cực nâng cao năng lực hội nhập toàn diện

3.1. Hội nhập kinh tế quốc tế

- Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh; Ban hành định hướng tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tham mưu, đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đột phá về thể chế, hạ tầng nhằm phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu kinh tế của tỉnh trong đó tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại giai đoạn 2016-2020; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

- Chủ động đưa các nội dung như vận động các nguồn vốn đầu tư, viện trợ (ODA, FDI, NGO), công nghệ, tri thức... vào hoạt động đối ngoại của tỉnh, các chương trình làm việc của đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh khi ra nước ngoài công tác; thúc đẩy hợp tác đầu tư với địa phương các nước có trình độ phát triển cao hơn và có tiềm năng về thị trường, trình độ khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Isarel, các nước trong cộng đồng ASEAN...

- Thực hiện tốt các dự án hợp tác, các thỏa thuận quốc tế mà tỉnh đã ký kết, tiếp tục tham mưu ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong các lĩnh vực.

- Chú trọng cụ thể hóa các thể chế, lộ trình thực hiện danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư, kế hoạch phát triển nhân lực, thu hút nguồn lực nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; phát triển cụm, khu công nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch cao cấp quốc gia về sinh thái, văn hóa dân tộc, khám phá, khoa học với các sản phẩm đặc sản địa phương. Từng bước hình thành các chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng trong tỉnh, kết nối với các tỉnh trong vùng hình thành một không gian chung cho kinh tế du lịch, kết nối chặt chẽ với du lịch quốc tế.

- Thiết lập, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, hợp tác lao động, thương mại, khoa học - công nghệ, đào tạo... Coi trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng của địa phương; tạo liên kết vùng miền, chuỗi doanh nghiệp, hợp tác xã; phát triển du lịch xanh, xây dựng nông thôn mới gắn phát triển bền vững, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh với các đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

3.2. Ngoại giao văn hóa

- Tập trung bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc. Đẩy mạnh xây dựng, tổ chức các chương trình giới thiệu về văn hóa, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

[...]