Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 25/KH-UBND công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền năm 2024 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2024
Ngày có hiệu lực 02/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hương Giang
Lĩnh vực Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 02 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC BẢO VỆ, ĐẤU TRANH VỀ NHÂN QUYỀN NĂM 2024

Năm 2023, công tác đấu tranh, đảm bảo nhân quyền của tỉnh Bắc Ninh được chú trọng triển khai thực hiện và có nhiều kết quả rất tích cực; nhận thức, ý thức trách nhiệm các sở, ban, ngành về công tác đảm bảo quyền con người cơ bản đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn. Bước sang năm 2024, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố ngày càng gia tăng. Ở trong nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành; tuy nhiên nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn hẹp, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc lợi dụng truyền thông qua mạng internet để tuyên truyền chống phá nước ta, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng và nhân dân ...

Ở tỉnh Bắc Ninh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững ổn định, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, an ninh một số lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, an ninh xã hội, an ninh mạng, an ninh trong các khu công nghiệp... còn nhiều vấn đề cần quan tâm; hoạt động của các loại tội phạm có xu hướng phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập cần phải tập trung giải quyết, đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Trong thời gian tới các các hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, sự đầu tư tài trợ trong và ngoài nước vào địa bàn sẽ tăng, các hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng, đó là thuận lợi, nhưng cũng là thách thức đối với công tác đảm bảo ANTT và đấu tranh bảo vệ nhân quyền khi các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết…

Căn cứ chương trình công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền và tình hình thực tiễn trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền năm 2024 với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” trong cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, các địa phương nhằm nâng cao hơn nữa và tạo sự chuyển biến tích cực về vấn đề đảm bảo quyền con người và đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá.

2. Để “đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc điểm, điều kiện cụ thể của sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời tạo thế chủ động trong công tác nhân quyền, chú trọng giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo tốt các quyền con người, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng trong các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và địa phương về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; kịp thời khắc phục những sơ hở, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá.

2. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách về tôn giáo, đất đai, lao động, an sinh xã hội, chính sách đối với nhóm người dễ bị tổn thương để không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền cơ bản của công dân. Chú trọng hơn đối với các địa bàn khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tôn giáo toàn tòng.

3. Thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi các quyền cơ bản của con người.

4. Nâng cao chất lượng, nội dung thông tin, lồng ghép chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại gắn với bảo vệ các quan điểm, giá trị về nhân quyền, kiên quyết phê phán, vạch trần những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền.

5. Nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời những âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch, từ đó có chủ trương, đối sách đấu tranh vô hiệu hoá, ngăn ngừa hoạt động kích động biểu tình, gây rối, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập. Tạo thế chủ động trong đấu tranh về nhân quyền, linh hoạt trong xử lý các vấn đề cụ thể, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

6. Kiềm chế, giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động gây rối an ninh, trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

III. GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Nắm chắc tình hình, chủ động và kịp thời dự báo âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá. Tham mưu cho thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề, vụ việc nhạy cảm trong lĩnh vực nhân quyền.

- Phối hợp theo dõi, quản lý chặt chẽ các đoàn ra, vào thực hiện các dự án, thăm thân, du lịch đề phòng kẻ xấu lợi dụng hoạt động chống phá ta.

- Chủ động đề xuất các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn ngừa không để xảy ra biểu tình, bạo loạn; kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn.

- Cung cấp thông tin phù hợp cho các cơ quan truyền thông về các vụ việc, đối tượng bị ta xử lý liên quan đến lĩnh vực dân chủ, nhân quyền để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc.

- Phối hợp tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tôn giáo, không để phát sinh phức tạp về ANTT, không để hình thành “điểm nóng”, không tạo sơ hở để các phần tử thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

- Phối hợp thực hiện việc đề nghị xét giảm án, đặc xá tha tù cho các phạm nhân có quá trình cải tạo tốt tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

2. Thực hiện tốt công tác đánh giá, dự báo tình hình, âm mưu chống phá ta của các thế lực thù địch, chủ động tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các biện pháp xử lý các vấn đề nhạy cảm có liên quan đến dân chủ, nhân quyền trong quan hệ hợp tác quốc tế. Tích cực và chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực.

- Tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đồng thời vận động, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, vu cáo ta về dân chủ, nhân quyền.

- Đôn đốc, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.

- Tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam, đặc biệt là các đối tượng thù địch ở Mỹ, các nước EU và hoạt động của các đối tượng trong nước tuyên truyền, vu cáo xuyên tạc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

(Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp các ngành chức năng thực hiện).

3. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền và mở các đợt cao điểm tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chế độ thông tin và cung cấp thông tin, định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm để đảm bảo tính hiệu quả của công tác tuyên truyền. Lồng ghép nội dung tuyên truyền công tác bảo vệ, đấu tranh về quyền con người vào các chương trình tuyên truyền pháp luật của các ngành, các cấp, trong các nội dung sinh hoạt câu lạc bộ và các lớp tập huấn cho chính quyền, đoàn thể cơ sở...

[...]