Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2019 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định 461/QĐ-TTg

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2019
Ngày có hiệu lực 11/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Đình Quang
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 461/QĐ-TTG NGÀY 27/4/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ với các nội dung, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu có tối thiểu 15 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

2. Tạo điều kiện thành lập mới ít nhất 80 HTX trên các lĩnh vực có lợi thế của địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu, kém, phấn đấu có trên 238 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm

1. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả

Hướng dẫn, hỗ trợ 78 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả và 24 HTX nông nghiệp mới thành lập năm 2018 (chưa đủ thời gian phân loại, đánh giá năm 2018) tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong đó tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực trình độ quản lý, kỹ thuật sản xuất cho cán bộ và thành viên.

Tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn vay tín dụng có hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh và tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng đăng ký nhãn hiệu, phát triển thương hiệu hàng hoá để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường đầu ra ổn định.

Đẩy mạnh thực hiện việc HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Gắn phát triển HTX lĩnh vực nông nghiệp với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Tạo điều kiện thành lập mới các HTX nông nghiệp và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả

- Thành lập mới 80 HTX nông nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế, có giá trị kinh tế cao của địa phương:

+ Lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, có thị trường vận động thành lập các HTX để liên kết với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

+ Các HTX nông nghiệp mới thành lập cần xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; có quy mô phù hợp với từng loại sản phẩm; huy động nguồn nội lực của HTX, nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách đặc thù của tỉnh, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở cho sản xuất và chế biến; tổ chức liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Mỗi xã một sản phẩm” để tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm đạt tiêu chuẩn gắn với thị trường tiêu thụ.

- Lựa chọn các tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả để vận động thành lập mới các HTX hoạt động hiệu quả có sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước.

- Vận động những chủ trang trại có quy mô sản xuất tương đối lớn để truyên truyền, vận động cùng nhau thành lập HTX nông nghiệp.

- Đối với các sản phẩm có triển vọng phát triển được sản xuất ở nhiều nông hộ cần tập trung vận động những nông dân chủ chốt và người lao động sản xuất giỏi (có thể là các trưởng thôn, bản) có kinh nghiệm, uy tín đối với cộng đồng để đứng ra làm sáng lập viên thành lập HTX.

3. Phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

- Phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 15 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp do ứng dụng công nghệ cao lên gấp hơn 2 lần so với sản xuất thông thường.

- Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả của đối với các HTX nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và phát triển mới các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ ít đòi hỏi chi phí đầu tư cao.

4. Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX nông nghiệp, liên hiệp HTX với các doanh nghiệp

- Đẩy mạnh liên kết, đặc biệt là liên kết chuỗi giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong đó HTX làm nòng cốt để tổ chức thực hiện liên kết.

[...]