Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 248/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 248/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2022
Ngày có hiệu lực 12/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 07 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ; Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ; Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 28/12/2020 về ban hành kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp;

- Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu;

- Các ngành, các cấp tùy theo chức năng nhiệm vụ được phân công bám sát nội dung Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Đến năm 2025

- Thực hiện 09 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, thủy sản chủ lực và tiềm năng của Tỉnh.

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% (khoảng 1.294 ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, hoa kiểng.

- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ đạt 75 ha trên các loài thuỷ sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá sặc rằn, ếch…

- Nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- Tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 10% năm 2025; tăng tỉ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 20% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng trên đồng ruộng.

b. Đến năm 2030

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1,5% (khoảng 3.298 ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực.

- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ đạt 365 ha trên các loài thuỷ sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá sặc rằn, ếch…

- Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- Tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2030; tăng tỉ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) áp dụng trên đồng ruộng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung

- Căn cứ quy hoạch nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ nhằm xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá đất đai, nguồn nước… để xác định, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trên cơ sở vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung. Ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tập huấn, chuyển giao.

- Sử dụng vật liệu sẵn có, tái sử dụng, khép kín chu trình trong khu vực sản xuất tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ổn định và phát kinh tế tuần hoàn (thông qua sử dụng sản phẩm từ trồng trọt làm thức ăn thuỷ sản và cung cấp nguyên liệu làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt).

- Ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

- Hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ (Phụ lục 1, 2). Bên cạnh đó, các huyện, thành phố dựa vào thế mạnh về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo chỉ tiêu chung đề ra của Tỉnh.

2. Quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ

[...]